Giỏ hàng

Thắc Mắc Thường Gặp

NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ DỊCH BỆNH COVID-19

Mục lục [Ẩn]

COVID-19 là một bệnh đường hô hấp truyền nhiễm do một loại virus có tên là SARS-CoV-2 gây ra. Nhiều triệu chứng COVID-19 tương tự như các triệu chứng của bệnh cúm, cảm lạnh thông thường tuy nhiên hậu quả mà nó để lại đáng sợ hơn rất nhiều. Tuy dịch bệnh đã diễn ra hơn 2 năm nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu về đại dịch này. Chính vì thế để hiểu rõ hơn về Covid-19, mời bạn xem qua bài viết sau.

Giá trị CT là gì?

CT là chữ viết tắt của ngưỡng chu kỳ, “Cycle Threshold”, và là một giá trị thường được thấy trong các xét nghiệm RT-PCR (Real-time Polymerase Chain Reaction). Xét nghiệm PCR là xét nghiệm sinh học phân tử được dùng để kiểm tra vật liệu di truyền (DNA, RNA và gene) từ một sinh vật cụ thể, chẳng hạn như vi rút SARS-CoV-2. Xét nghiệm này sẽ giúp phát hiện sự hiện diện của vi rút nếu bạn có vi rút trong cơ thể tại thời điểm xét nghiệm.

Để cải thiện khả năng phát hiện vi rút, xét nghiệm RT-PCR tạo ra nhiều bản sao của cùng một vật liệu di truyền từ vi rút SARS-CoV-2 thông qua quá trình được gọi là khuếch đại. Giá trị CT cho biết số chu kỳ cần thiết của quá trình khuếch đại này để phát hiện sự hiện diện của vi rút SARS-CoV-2; và máy PCR sẽ ngừng chạy tại thời điểm đó. Nếu tín hiệu dương tính không được tìm thấy sau 37 – 40 chu kỳ, kết quả cho ra sẽ là âm tính. Các kết quả dương tính thường có tải lượng vi rút khác nhau. Chẳng hạn như: Một xét nghiệm ghi nhận kết quả dương tính sau 12 chu kỳ, với giá trị CT là 12, sẽ có tải lượng vi rút nhiều hơn 10 triệu lần so với mẫu có giá trị CT là 35.

Nguồn thông tin khoa học:

  1. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/lab/faqs.html#Interpreting-Results-of-Diagnostic-Tests
  2. https://publichealthproviders.sccgov.org/sites/g/files/exjcpb951/files/Documents/FAQs-CT-values-from-covid-19-PCR-tests.pdf

Giá trị CT có thể cho chúng ta biết được tải lượng vi rút của một người không?

Các xét nghiệm RT-PCR có 2 dạng: định tính và định lượng; và điều này ảnh hưởng đến ý nghĩa của giá trị CT.

  • Ở dạng định tính, giá trị CT được sử dụng để xác định tình trạng dương tính hoặc âm tính. Giá trị này không thể xác minh được tải lượng vi rút trong cơ thể của một cá nhân.
  • Ở dạng định lượng, giá trị CT có thể cho biết được tải lượng vi rút trong cơ thể của người bị nhiễm. Giá trị CT càng thấp cho thấy tải lượng vi rút trong cơ thể càng cao; và ngược lại, giá trị CT cao cho thấy tải lượng vi rút thấp.

Nguồn thông tin khoa học:

  1. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/lab/faqs.html#Interpreting-Results-of-Diagnostic -Tests

Xét nghiệm RT – PCR và giá trị CT có thể cho chúng ta biết độ lây nhiễm của một người không?

Theo như Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các xét nghiệm RT-PCR và giá trị CT không thể nói lên được độ lây nhiễm của 1 người. RT – PCR chỉ được sử dụng để xác định và chẩn đoán tình trạng dương tính hoặc âm tính của một người.

Mặc dù xét nghiệm PCR định lượng cho thấy mối quan hệ giữa giá trị CT và tải lượng vi rút trong cơ thể, giá trị này không nên được sử dụng để xác định tải lượng vi-rút, mức độ lây nhiễm của một người hoặc khi một người có thể được khỏi cách ly hay không. Ngoài yếu tố tải lượng vi rút, giá trị CT còn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như: thu thập hoặc bảo quản không đúng, thời điểm thu thập mẫu, độ nhạy cảm của xét nghiệm hoặc một số chất khác trông tương tự đủ để gây ra kết quả dương tính. Cũng theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), giá trị CT không nên được sử dụng để xác định tải lượng vi rút SARS-CoV-2 từ mẫu xét nghiệm của người bị nhiễm bệnh, cũng như không được sử dụng chúng để xác định nguy cơ lây nhiễm của người đó.

Nguồn thông tin khoa học

  1. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/lab/faqs.html#Interpreting-Results-of-Diagnostic-Tests
  2. https://publichealthproviders.sccgov.org/sites/g/files/exjcpb951/files/Documents/FAQs-CT-values-from-covid-19-PCR-tests.pdf

Tại sao xét nghiệm chẩn đoán nhanh tại nhà lại có thể cho ra kết quả âm tính không chính xác?

Có rất nhiều lý do có thể dẫn đến tình trạng đưa ra kết quả không chính xác khi sử dụng xét nghiệm chẩn đoán nhanh tại nhà:

Độ nhạy của xét nghiệm chẩn đoán nhanh tại nhà không cao

  • Độ nhạy đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc xác định một người có bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hay không. Nhiều bài nghiên cứu đã chỉ ra rằng độ nhạy trung bình của xét nghiệm chẩn đoán nhanh tại nhà là 72% đối với người có triệu chứng và chỉ 58% đối với những ai không có triệu chứng. Điều này có nghĩa là trong 100 người bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có triệu chứng, xét nghiệm chẩn đoán nhanh chỉ có thể xác định chính xác 72 người trong số đó bị nhiễm bệnh.
  • Chính vì độ nhạy không cao, kết quả âm tính không chứng minh được một người hoàn toàn khỏe mạnh. Do đó, người có triệu chứng cần phải cách ly ngay hoặc sử dụng xét nghiệm RT – PCR để tránh trường hợp lây nhiễm cho người khác.

Không lấy mẫu dịch chính xác vì sợ đau hoặc một lí do nào đó; do đó, không thu thập đủ các hạt vi rút để ghi nhận kết quả dương tính.

Test quá sớm cũng có thể cho ra kết quả không chính xác vì một người bị nhiễm vi rút COVID – 19 có thể mất gần 2 tuần để phát triệu chứng, mặc dù thời gian ủ bệnh trung bình là từ 5 – 6 ngày.

Test mũi thay vì sử dụng dịch ở họng trong những ngày đầu nghi ngờ mắc biến thể Omicron cũng là một trong những nguyên nhân.

  • Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng Omicron có thời gian ủ bệnh ngắn hơn và có thể gây lây nhiễm ngay khi chúng tồn tại trong cổ họng và nước bọt trước khi đến mũi. Do đó, trong những ngày đầu bị nhiễm bệnh, nước bọt có khả năng cho kết quả PCR dương tính cao hơn 12 lần so với ngoáy mũi.
  • Tuy nhiên, sau ba ngày, tải lượng vi rút sẽ bắt đầu tích tụ ở mũi nhiều hơn. Đây cũng có thể là lí do vì sao các trường hợp mắc biến thể Omicron lại có kết quả dương tính sau khi được kiểm tra nước bọt lẫn ngoáy mũi ở test PCR. Do đó, test nhanh qua đường mũi quá sớm sau khi nghi bị lây nhiễm có thể không cho ra kết quả chính xác.

Do đó, người nghi ngờ bị nhiễm bệnh cần phải cách ly ngay để tránh trường hợp lây nhiễm cho người khác.

Nguồn thông tin khoa học:

  1. https://www.gavi.org/vaccineswork/how-likely-positive-lateral-flow-test-covid-19-be-wrong
  2. https://www.gavi.org/vaccineswork/can-omicron-evade-detection-pcr-rapid-antigen-or-lateral-flow-tests
  3. https://covid19-sciencetable.ca/sciencebrief/use-of-rapid-antigen-tests-during-the-omicron-wave/

Tiếp xúc với F0 nhưng đã được tiêm phòng đầy đủ và tăng cường sức khỏe. Tôi có cần phải đi xét nghiệm và cách li không?

Theo thông tin của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nếu bạn đã tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm COVID-19 và bạn thuộc một trong các nhóm sau, bạn không cần phải cách ly:

  • Bạn đã cập nhật vắc xin COVID-19 đầy đủ.
  • Bạn đã được xác nhận nhiễm COVID-19 trong vòng 90 ngày qua (nghĩa là bạn đã có kết quả dương tính qua các xét nghiệm).

Đối với người chưa từng mắc bệnh hoặc đã mắc bệnh trên 90 ngày, bạn cần phải xét nghiệm ít nhất 5 ngày sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Nếu bạn có kết quả dương tính, bạn cần phải cách ly ngay lập tức.

Nếu bạn đã từng được xác định dương tính với COVID-19 bằng xét nghiệm vi rút trong vòng 90 ngày, đã hồi phục và không có bất kì triệu chứng nào của COVID-19, bạn không cần phải cách ly hoặc đi xét nghiệm sau khi đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, trong tất cả trường hợp, bạn vẫn cần phải đeo khẩu trang trong vòng 10 ngày tính từ ngày tiếp xúc gần nhất với người bị nhiễm bệnh.

Nguồn thông tin khoa học:

  1. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/your-health/quarantine-isolation.html?CDC_AA_refVal=https%3A%2F%2Fwww.cdc.gov%2Fcoronavirus%2F2019-ncov%2Fif-you-are-sick%2Fquarantine.html

Một người đã bị nhiễm COVID-19 rồi thì có thể bị nhiễm lại không?

Sau khi đã hết nhiễm vi rút COVID – 19, một người vẫn hoàn toàn có thể bị tái nhiễm với nhiều lí do sau:

  • Do sự xuất hiện của các biến thể mới với mức độ lây lan nhanh : mặc dù bạn đã có kháng thể từ vaccine hoặc do đã nhiễm bệnh từ trước, các biến thể mới hoàn toàn có thể vượt qua được một số khả năng miễn dịch và làm bạn nhiễm COVID-19 một lần nữa.
  • Khả năng miễn dịch của vaccine giảm dần theo thời gian: đây là lý do vì sao chúng ta cần phải chích vaccine liều 3.
  • Chủ quan: mặc dù đã khỏi bệnh, việc phòng ngừa an toàn cho bản thân như đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ và giãn cách xã hội là vô cùng quan trọng.

Đặc biệt hơn, các nhà nghiên cứu đã khuyến cáo rằng biến thể Omicron có tỉ lệ làm một người đã nhiễm COVID-19 có thể bị tái nhiễm cao hơn gấp 5.4 lần so với các biến thể khác. Biến thể Omicron được cho là có thể tránh được khả năng miễn dịch tự nhiên mà người đã từng nhiễm COVID-19 hình thành được.

Nguồn thông tin khoa học:

  1. https://health.clevelandclinic.org/can-you-get-covid-19-more-than-once/
  2. https://www.gavi.org/vaccineswork/why-dont-most-people-covid-need-test-another-30-days-even-if-theyre-re-exposed?gclid=CjwKCAiA4KaRBhBdEiwAZi1zzrfjP38-6tvf2SAz-PBunghjeZu5byyMImEoIN9maki7nAlQTkSNAxoCofoQAvD_BwE

Bao lâu sau khi tôi bị nhiễm COVID-19 mới thì tôi sẽ bắt đầu có thể lây nhiễm cho người?

Thời gian ủ bệnh của các biến thể COVID-19 nói chung là từ 1 – 14 ngày. Tuy nhiên, hầu như các người nhiễm bệnh đều có triệu chứng sau 5 – 6 ngày. Hiện nay, biến thể Omicron đang chiếm ưu thế khắp nơi trên toàn thế giới. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng thời gian ủ bệnh của biến thể này là 3 ngày và chúng có tốc độ lây lan cực kì nhanh chóng.

Việc lây truyền có thể xảy ra khi bạn tiếp xúc gần với người bị nhiễm COVID-19 khi họ chưa có các triệu chứng hoặc bắt đầu có các triệu chứng hoặc trong một thời gian dài.

Nguồn thông tin khoa học:

  1. https://www.gavi.org/vaccineswork/why-dont-most-people-covid-need-test-another-30-days-even-if-theyre-re-exposed?gclid=CjwKCAiA4KaRBhBdEiwAZi1zzrfjP38-6tvf2SAz-PBunghjeZu5byyMImEoIN9maki7nAlQTkSNAxoCofoQAvD_BwE
  2. https://www.who.int/vietnam/news/detail/14-07-2020-q-a-how-is-covid-19-transmitted#:~:text=Yes%2C%20infected%20people%20can,%2C%20receive%20medical%20care

Những người không có triệu chứng có thể lây nhiễm COVID-19 cho người khác không?

Những người không có triệu chứng hoàn toàn có thể lây nhiễm COVID-19 cho người khác. Mặc dù đang mang vi rút SARS-CoV-2 trong người, việc không có triệu chứng sẽ rất khó để một người có thể biết được mình có đang mang vi rút trong người hay không; do đó, nó càng làm cho việc lây lan trở nên trầm trọng hơn. Đây là lí do vì sao những ai đã nghi ngờ bị nhiễm bệnh cần phải đi xét nghiệm, cách ly và chữa bệnh dựa trên tình hình. Bên cạnh đó, những ai đã được xác định nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng vẫn phải cách ly để hạn chế lây nhiễm cho người khác.

Nguồn thông tin khoa học:

  1. https://www.who.int/vietnam/news/detail/14-07-2020-q-a-how-is-covid-19-transmitted#:~:text=Yes%2C%20infected%20people%20can,%2C%20receive%20medical%20care.

Làm thế nào để biết mình nhiễm biến thể Omicron hay Delta?

  • Dựa trên các trường hợp đã nhiễm biến thể Omicron và Delta hiện nay, cả hai biến thể đều có các triệu chứng giống nhau; tuy nhiên, chúng cũng có một số điểm khác nhau. Sốt, ho và khó thở thường là các triệu chứng của một người nhiễm COVID – 19. Ở các trường hợp nhiễm biến thể Omicron, ho khan, ngứa và đau họng là các triệu chứng đầu tiên. Mất vị giác và khứu giác cũng được cho thấy ít phổ biến ở những người nhiễm biến thể Omicron.
  • Bên cạnh các triệu chứng như sốt, đau họng và ho, ói mửa và ỉa chảy cũng được thấy ở các trường hợp trẻ em mắc phải biến thể Omicron

Nguồn thông tin khoa học:

  1. https://hmri.org.au/news-article/delta-vs-omicron-what-are-similarities-and-differences
  2. https://www.medicalnewstoday.com/articles/omicron-infection-what-are-the-symptoms#What-symptoms-does-Omicron-cause

Dược sĩ Thảo Vy