Tìm Hiểu Bệnh
Bệnh Alzheimer: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Điều Trị Và Phòng Ngừa
Mục lục [Ẩn]
Bệnh Alzheimer là gì?
Bệnh Alzheimer là một chứng rối loạn não, hủy hoại trí nhớ, tư duy và cuối cùng là mất khả năng thực hiện những công việc đơn giản nhất. Bệnh Alzheimer khởi phát sớm xảy ra ở độ tuổi từ 30 đến giữa 60 tuổi. Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi.
Hiểu biết về các loại sa sút trí tuệ
Căn bệnh này được đặt theo tên của bác sĩ Alois Alzheimer. Năm 1906, Tiến sĩ Alzheimer nhận thấy những thay đổi trong mô não của một phụ nữ đã chết vì một căn bệnh tâm thần bất thường. Các triệu chứng của người này bao gồm mất trí nhớ, các vấn đề về ngôn ngữ và hành vi không thể đoán trước. Sau khi người này qua đời, ông đã kiểm tra não của cô và tìm thấy nhiều khối bất thường - hiện nay được gọi là mảng amyloid, một loại protein tích tụ bất thường trong não của những người mắc bệnh Alzheimer và các bó sợi rối - ngày nay thuật ngữ y khoa gọi là sợi thần kinh hoặc đám rối thần kinh. Những mảng và đám rối này vẫn được coi là đặc điểm chính của bệnh Alzheimer.
Một hiện tượng khác là mất kết nối giữa các tế bào thần kinh neuron trong não. Các tế bào thần kinh truyền thông điệp giữa từ phần khác nhau trong não, từ não đến các cơ và cơ quan khác trong cơ thể. Nhiều thay đổi phức tạp khác của não cũng được cho là có liên quan đến bệnh Alzheimer.
Tổn thương này ban đầu diễn ra ở các phần của não liên quan đến trí nhớ, bao gồm vỏ não ruột và hồi hải mã. Sau đó, nó ảnh hưởng đến các khu vực trong vỏ não, chẳng hạn như những khu vực chịu trách nhiệm về ngôn ngữ, lý luận và hành vi xã hội. Cuối cùng, nhiều vùng khác của não bị tổn thương. (1)
Dịch tễ học
Ca bệnh Alzheimer đầu tiên được mô tả vào năm 1906. Từ đó đến nay, số lượng bệnh Alzheimer được báo cáo ngày càng gia tăng, đặc biệt khi tuổi thọ của con người ngày càng lâu hơn.
Theo số liệu thống kê năm 2015 của The World Alzheimer Report 2015, số ca bệnh sa sút trí tuệ mới là 3 ca/1 giây, hiện có khoảng 46,8 triệu người bị sa sút trí tuệ, trong đó khoảng 60% là bệnh Alzheimer. Tỉ lệ mắc bệnh Alzheimer tăng dần theo tuổi, từ khoảng 5% của người dưới 75 lên đến 40-50% của người sau 85 tuổi.
Việt Nam chúng ta đương nhiên cũng không khác hơn các nước này, tỉ lệ sa sút trí tuệ thống kê được khoảng 5% dân số trên 60 tuổi và tăng dần theo tuổi. Bệnh Alzheimer luôn đi kèm với một khoảng ngân sách điều trị khổng lồ và một gánh nặng về thể chất cũng như tinh thần lên bệnh nhân và người thân của họ. (2)
Triệu chứng và biểu hiện của bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer có thể khó nhận biết ở giai đoạn mới. Những dấu hiệu đầu tiên là thường xuyên cảm thấy khó khăn trong việc nhớ các sự kiện gần đây và gần như không có khả năng tiếp thu thêm thông tin mới.
Tuy nhiên, nhiều người gặp rắc rối với trí nhớ nhưng không mắc bệnh Alzheimer - vì vậy điều quan trọng là phải đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác của việc rối loạn trí nhớ.
Các triệu chứng và biểu hiện phổ biến của bệnh Alzheimer bao gồm:
- Mơ hồ khi tham gia các cuộc trò chuyện thường ngày.
- Thiếu nhiệt tình với các hoạt động yêu thích.
- Tốn nhiều thời gian khi làm việc sinh hoạt.
- Quên các nhân vật hoặc địa điểm nổi tiếng.
- Khó xử lý câu hỏi gặp rắc rối hoặc xem hướng dẫn nào đó.
- Suy giảm kỹ năng xã hội.
- Cảm xúc lên xuống bất thường.
Bệnh Alzheimer thường được phân thành 3 giai đoạn, dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng:
- Alzheimer nhẹ: các dấu hiệu sớm của chứng sa sút trí tuệ.
- Alzheimer mức độ trung bình: các triệu chứng khó kiểm soát và có khả năng cần phải hỗ trợ.
- Alzheimer nặng: có thể cần chăm sóc liên tục trong tất cả các hoạt động hàng ngày.
Các triệu chứng sẽ tiến triển khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng. Các triệu chứng cũng có thể thay đổi hàng ngày và có thể trở nên tồi tệ hơn khi bị căng thẳng, ốm đau hoặc mệt mỏi. (3)
Chẩn đoán bệnh Alzheimer
Các bác sĩ sẽ sử dụng một số phương pháp và công cụ để giúp xác định xem một người có vấn đề về suy nghĩ hoặc trí nhớ có mắc bệnh Alzheimer hay không. Để chẩn đoán bệnh Alzheimer, các bác sĩ sẽ tiến hành các thủ thuật thăm dò như sau:
- Hỏi người bệnh đang trải qua các triệu chứng gì, hỏi thăm các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè, các câu hỏi liên quan đến sức khỏe tổng thể. Tiền sử dùng thuốc, chế độ ăn uống, can thiệp y tế nếu có, khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày và những thay đổi trong hành vi, tính cách .
- Đánh giá tâm thần để xác định xem có phải bị trầm cảm hay tình trạng sức khỏe tâm thần nào khác góp phần ảnh hưởng đến bệnh cảnh hay không.
- Tiến hành kiểm tra trí nhớ, cách giải quyết vấn đề, khả năng chú ý, cách đếm và ngôn ngữ.
- Yêu cầu xét nghiệm máu, nước tiểu và các xét nghiệm y tế tiêu chuẩn khác có thể giúp xác định một phần nguyên nhân của vấn đề.
- Thực hiện quét não, chẳng hạn như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), để hỗ trợ chẩn đoán bệnh Alzheimer hoặc loại trừ các nguyên nhân khác.
Các bác sĩ cũng có thể lặp lại các bài kiểm tra này để giúp xác định trí nhớ và các chức năng nhận thức khác người đó đang thay đổi như thế nào theo thời gian. Các xét nghiệm cũng có thể giúp chẩn đoán các nguyên nhân khác ảnh hưởng đến trí nhớ, chẳng hạn như đột quỵ, khối u, bệnh Parkinson, rối loạn giấc ngủ, tác dụng phụ của thuốc, nhiễm trùng hoặc loại sa sút trí tuệ khác. Một số tình trạng này có thể điều trị và hồi phục được.
Những người có vấn đề về trí nhớ nên tái khám định kỳ sau mỗi 6 đến 12 tháng.
Trước đầu những năm 2000, cách chắc chắn duy nhất để biết liệu một người có mắc bệnh Alzheimer hay không là thông qua khám nghiệm tử thi, một thủ tục được thực hiện sau khi chết. Nhờ những tiến bộ trong nghiên cứu, các xét nghiệm hình ảnh và phòng thí nghiệm hiện có sẵn để giúp bác sĩ hoặc nhà nghiên cứu nhìn thấy các dấu hiệu sinh học của bệnh, hoặc dấu ấn sinh học, ở một người sống.
Ví dụ: Hiện nay các bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để đo nồng độ beta-amyloid. Một số xét nghiệm máu khác đang được nghiên cứu. Tuy nhiên các xét nghiệm chẩn đoán này vẫn còn hạn chế.
Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các lựa chọn để chẩn đoán bệnh Alzheimer nhanh hơn, ít tốn kém hơn và ít xâm lấn hơn. (4)
Điều trị bệnh Alzheimer
Hiện tại không có cách chữa khỏi bệnh Alzheimer, không có bất kỳ phương pháp điều trị nào có thể ngăn chặn hoặc đảo ngược chúng.
Nhưng có những loại thuốc có thể làm dịu một vài triệu chứng ở một số bệnh nhân. Chúng có thể làm chậm tốc tiến triển bệnh và giúp não hoạt động tốt hơn.
Bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị tốt nhất dựa trên triệu chứng và chẩn đoán lâm sàng của bệnh nhân, bao gồm:
- Tuổi tác, sức khỏe tổng thể và tiền sử bệnh.
- Giai đoạn bệnh.
- Thói quen sinh hoạt của bệnh nhân.
- Sở thích của bệnh nhân hoặc người chăm sóc bệnh nhân.
Các bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc cho các vấn đề sức khỏe xảy ra cùng lúc với căn bệnh này, như trầm cảm, khó ngủ, kích động hoặc hung hăng. (5)
Chăm sóc và phòng ngừa bệnh Alzheimer
Kết nối xã hội và hoạt động trí tuệ
Kết nối xã hội có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng duy trì các kết nối xã hội mạnh mẽ và giữ cho tinh thần hoạt động khi chúng ta già đi có thể làm giảm nguy cơ suy giảm nhận thức và bệnh Alzheimer. Lý do của sự liên kết này vẫn chưa có đáp án chính xác. Tuy nhiên, nó có thể là do kích thích xã hội và tinh thần giúp tăng cường kết nối giữa các tế bào thần kinh trong não.
Hạn chế chấn thương đầu
Dường như có mối liên hệ chặt chẽ giữa chấn thương đầu nghiêm trọng và nguy cơ suy giảm nhận thức trong tương lai, đặc biệt khi chấn thương liên quan đến mất ý thức.
Bạn có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và bảo vệ đầu bằng cách:
- Đội mũ bảo hiểm đúng quy cách khi đi xe máy.
- Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô.
- Mang thiết bị bảo vệ đầu phù hợp với các môn thể thao và các hoạt động giải trí.
Tập thể dục và ăn kiêng
Tập thể dục và ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer.
Tập thể dục thường xuyên rất hữu ích giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ do mạch máu. Tập thể dục có thể trực tiếp mang lại lợi ích cho các tế bào não bằng cách tăng lưu lượng máu và oxy trong não.
Các bằng chứng hiện tại cho thấy ăn uống lành mạnh cho tim cũng có thể giúp bảo vệ não. Ăn uống có lợi cho tim bao gồm hạn chế tiêu thụ đường và chất béo bão hòa và đảm bảo ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Không có một chế độ ăn kiêng nào là tốt nhất. Hai chế độ ăn kiêng đã được nghiên cứu và có thể có lợi trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer là chế độ ăn kiêng DASH (Phương pháp tiếp cận chế độ ăn uống để ngăn chặn tăng huyết áp) và chế độ ăn Địa Trung Hải.
Chế độ ăn kiêng DASH nhấn mạnh đến rau, trái cây, các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt gia cầm, đậu, hạt, quả hạch và dầu thực vật. Chế độ ăn kiêng DASH hạn chế natri, đồ ngọt, đồ uống có đường và thịt đỏ.
Chế độ ăn Địa Trung Hải bao gồm tương đối ít thịt đỏ. Nó nhấn mạnh đến ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau, cá và động vật có vỏ, và chất béo lành mạnh như các loại hạt và dầu ô liu. (6)
Ngoài ra cũng có thể làm chậm các bệnh thoái hoá thần kinh thông qua bổ sung các thực phẩm tự nhiên trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày như Canxi, Ginkgo Biloba hoặc Coenzyme Q10. (7), (8), (9)
Dược sĩ Hồng Ngọc
>>> Xem thêm: Rối Loạn Tiền Đình, Triệu Chứng, Nguyên Nhân và Cách Điều Trị
Nguồn tham khảo:
- https://www.nia.nih.gov/health/what-alzheimers-disease
- https://hoithankinhhocvietnam.com.vn/cap-nhat-chan-doan-va-dieu-tri-benh-alzheimer/
- https://www.healthdirect.gov.au/alzheimers-disease
- https://www.nia.nih.gov/health/how-alzheimers-disease-diagnosed
- https://www.webmd.com/alzheimers/guide/alzheimers-disease-treatment-overview
- https://www.alz.org/alzheimers-dementia/research_progress/prevention
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/15576964/
- https://www.mdpi.com/2076-3921/11/3/525/htm
- https://www.dovepress.com/potential-role-of-coenzyme-q10-in-health-and-disease-conditions-peer-reviewed-fulltext-article-NDS