Giỏ hàng

Tìm Hiểu Bệnh

Loãng Xương Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Điều Trị Và Phòng Ngừa

Mục lục [Ẩn]

Bệnh loãng xương đặc trưng bởi sự giảm khối lượng xương và tổn thương vi cấu trúc của tổ chức xương, gây giảm độ chắc và dễ gãy xương. Trên thế giới có khoảng 200 triệu người bị loãng xương, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người loãng xương, tỷ lệ loãng xương nam giới là 1/5.

Tại Việt Nam, theo số liệu khảo sát bước đầu của Viện dinh dưỡng, bệnh loãng xương ảnh hưởng tới 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi. Ước tính đến đến 2030, số người gãy cổ xương đùi do loãng xương sẽ là 41 ngàn người.

Những năm gần đây, loãng xương và hậu quả của nó đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng ngày càng quan tâm. Cùng Healthy Beauty tìm hiểu và biết được cách phòng ngừa loãng xương hiệu quả nhé!

Định nghĩa

Loãng xương có nghĩa đen là “xương xốp”, là tình trạng xương trở nên mỏng dần và mất sức mạnh, xương trở nên rỗng, mỏng dần và chất lượng xương cũng giảm sút. Điều này có thể dẫn đến gãy xương, gây đau đớn, tàn tật và khiến các hoạt động hàng ngày trở nên vô cùng khó khăn.

Loãng xương làm xương bị suy yếu và dễ gãy - thường gặp nhất là xương ở hông, xương cột sống và cổ tay. Loãng xương còn được xem là “bệnh thầm lặng” vì chúng ta khó nhận thấy bất kỳ thay đổi nào cho đến khi xương bị gãy.

Nguyên nhân

Xương là mô sống. Để giữ xương chắc khỏe, cơ thể sẽ phá vỡ xương cũ và thay thế bằng mô xương mới. Bắt đầu từ tuổi 30, khối lượng xương ngừng tăng, từ đó cơ thể sẽ giữ cho xương hiện tại càng nhiều càng tốt càng lâu càng tốt. Và ở độ tuổi 40 - 50, xương sẽ bị phá huỷ từ từ, giảm hẳn khả năng tái tạo.

Quan sát kỹ bên trong xương sẽ thấy giống như tổ ong. Khi bị loãng xương, các khoảng trống trong tổ ong này sẽ lớn dần và “mảnh” xương dần nhỏ lại. Lớp vỏ bên ngoài của xương cũng mỏng đi. Những điểm này khiến cho xương yếu đi. Chúng ta dễ bị loãng xương sớm hơn nếu có có các yếu tố nguy cơ trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến xương.

Các yếu tố loãng xương thường gặp:

  • Trên 70 tuổi
  • Nữ giới
  • Tiền sử chấn thương xương khớp trước đó
  • Có bố mẹ bị gãy xương hông
  • Mãn kinh

Các yếu tố ít hơn:

  • Không hoạt động thể chất.
  • Khối lượng cơ và sức mạnh thấp.
  • Trọng lượng cơ thể thấp (bmi dưới 20kg/m2).
  • Hút thuốc.
  • Uống nhiều rượu.
  • Không ăn đủ thức ăn giàu năng lượng hoặc protein.

Một số bệnh lý cũng gây loãng xương như:

  • Thiểu năng sinh dục hoặc mãn kinh sớm.
  • Các bệnh gây mất xương, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp.
  • Cường giáp hoặc cường cận giáp.
  • Bệnh gan hoặc thận mãn tính.
  • Bệnh celiac, bệnh viêm ruột.
  • Hội chứng cushing.

Một số loại thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh loãng xương:

  • Kháng viêm Steroid - khi sử dụng hơn 3 tháng.
  • Liệu pháp kháng androgen - thuốc ngăn chặn testosterone hoạt động và đôi khi được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
  • Thuốc ức chế aromatase - thuốc ức chế estrogen được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú.
  • Liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp - Yếu tố nguy cơ khi sử dụng lâu dài.
  • Thuốc chống trầm cảm - đặc biệt là thuốc từ nhóm SSRI.
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI) - thuốc làm giảm tiết acid dạ dày.
  • Thiazolidinedione (tzd) - một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
  • Thuốc chống loạn thần - một số loại thuốc được sử dụng trong các bệnh phân liệt.
  • Thuốc chống động kinh - một số loại thuốc dùng để kiểm soát chứng động kinh.

Triệu chứng của bệnh loãng xương

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh loãng xương là nứt hoặc gãy xương do chấn thương nhẹ, chẳng hạn như té ngã. Các triệu chứng khác có thể kể đến như:

  • Chiều cao bị giảm dần
  • Đau lưng
  • Đau khớp hoặc cơ

Chẩn đoán bệnh loãng xương

Theo TCYTTG – 1994, loãng xương được định nghĩa dựa trên mật độ chất khoáng của xương (Bone Mineral Density - BMD) theo chỉ số T-Score. T-Score của một cơ thể là chỉ số mật độ xương của cơ thể đó so với mật độ xương của nhóm người trẻ tuổi làm chứng.

  • Xương bình thường: T- score ≥ - 1, tức là lượng chất khoáng xương (BMD) của người được đo bằng và trên – 1 độ lệch chuẩn (-1SD) so với giá trị trung bình của người trưởng thành độ tuổi 20 – 35 tuổi trong cộng đồng.
  • Thiếu xương (Osteopenia): - 1 > T- score > - 2,5, tức là BMD của người được đo trong khoảng - 1 đến - 2,5 SD so với giá trị trung bình của của người trưởng thành độ tuổi 20 – 35 tuổi trong cộng đồng.
  • Loãng xương (Osteoporosis): T - score ≤ - 2,5, tức là khi BMD của người được đo bằng và dưới ngưỡng -,5SD so với giá trị trung bình của người trưởng thành độ tuổi 20 – 35 tuổi trong cộng đồng.
  • Loãng xương nặng: T-score ≤ -2,5SD và bệnh nhân có tiền sử hoặc hiện tại có một hay nhiều vị trí gãy xương.

Điều trị bệnh loãng xương

Thuốc bổ sung bắt buộc

  • Đảm bảo đủ lượng canxi đưa vào cơ thể 1.000 – 1200mg/ ngày
  • Đảm bảo đủ lượng vitamin D đưa vào cơ thể 800 – 1.000IU/ ngày.

Các thuốc chống hủy xương

Ức chế hoạt động của tế bào hủy xương

Thuốc nhóm Bisphosphonate: là nhóm thuốc lựa chọn đầu tiên để điều trị loãng xương ở người cao tuổi (> 60 tuổi), phụ nữ sau mãn kinh, sau dùng corticosteroid.

  • Alendronate: Fosamax plus (Alendronate 70mg + Cholecalciferol 2.800IU) hoặc Fosamax 5600 (Alendronate 70mg + Cholecalciferol 5.600IU).

Liều lượng: 1 viên/tuần

Cách dùng: uống vào buổi sáng, khi đói. Bệnh nhân không nằm sau khi uống thuốc ít nhất 30 phút nhằm làm giảm biến chứng viêm loét thực quản.

  • Zoledronic acid (Aclasta, 5mg/ 100ml)

Liều lượng: 1 chai 5mg/ năm, liều duy nhất

Cách dùng: Truyền tĩnh mạch chậm 1 chai 5mg/ 100ml trong thời gian trên 30 phút. Cần đảm bảo đủ lượng canxi và vitamin D cho bệnh nhân trước truyền thuốc.

Chống chỉ định: bệnh nhân có chức năng thận suy giảm (hệ số thanh thải Creatinin ≤ 30ml/ phút) hoặc những bệnh nhân có rối loạn nhịp tim.

  • Calcitonine:

Chỉ định: bệnh nhân mới có gãy xương kèm đau xương nhiều do loãng xương. Cần kết hợp điều trị cùng nhóm bisphosphonate.

Liều lượng: 50-100IU/ ngày, trong vòng 10-15 ngày/ đợt điều trị

Cách dùng: tiêm dưới da hoặc tiêm bắp sau ăn.

Thận trọng: một số trường hợp có tiền sử dị ứng cần thử test da trước khi tiêm, không sử dụng thuốc liên tục, kéo dài.

Chất điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen (SERMs)

  • Raloxifene (Evista)

Chỉ định: phụ nữ loãng xương sau mãn kinh

Liều lượng: viên 60mg/ ngày, thời gian dùng không quá 2 năm

Các nhóm thuốc khác

  • Nhóm thuốc tăng tạo xương và ức chế hủy xương: Strontium ranelate (Protelos): Liều dùng 2g/ ngày

Cách dùng: uống một lần duy nhất vào buổi tối, sau ăn 2h

Tuy nhiên, do những tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc trên hệ tim mạch nên hiện thuốc chưa được áp dụng điều trị rộng rãi trên lâm sàng

  • Thuốc làm tăng quá trình đồng hóa: Deca-Durabulin và Durabolin

Điều trị các biến chứng loãng xương

  • Điều trị đau: theo bậc thang giảm đau của TCYTTG kết hợp với Calcitonine
  • Gãy xương: đeo nẹp, bơm xi măng vào thân đốt sống hoặc thay đốt sống nhân tạo, kết xương hoặc thay khớp (nếu có chỉ định).

Điều trị lâu dài

  • Theo dõi sát sự tuân thủ điều trị.
  • Đo lại mật độ xương sau mỗi 1-2 năm để đánh giá kết quả điều trị.
  • Bệnh nhân phải được điều trị lâu dài, thường 3 -5 năm. Sau đó đánh giá lại tổng thể tình trạng bệnh để quyết định phương hướng điều trị tiếp theo.

Phòng ngừa bệnh loãng xương

Người lớn tuổi có nguy cơ loãng xương cao nhất, với gần 75% trường hợp gãy xương hông, cột sống, cổ tay xảy ra ở những người từ 65 tuổi trở lên.

Những lời khuyên dưới đây có thể giúp chúng ta phòng ngừa loãng xương và phòng tránh được hậu quả loãng xương hiệu quả:

Đảm bảo đủ chất dinh dưỡng

Theo tuổi tác, khả năng hấp thụ vitamin và khoáng chất có thể bị giảm sút. Trên thực tế, những người lớn tuổi thường bị suy dinh dưỡng vì họ có thể bổ sung đủ protein và vitamin trong khẩu phần ăn. Nên cân nhắc bổ sung canxi và vitamin D khi tiêu thụ ít sữa hoặc ít ra ngoài trời.

Tập thể dục

Tham gia các hoạt động tập thể dục để cải thiện sự cân bằng, tư thế, sự phối hợp và sức mạnh cơ bắp. Ngoài các hoạt động thể chất thường xuyên, người lớn tuổi nên chọn các bài tập giúp cải thiện sự cân bằng và sức mạnh cơ bắp.

Hãy thận trọng trong việc đi đứng giúp giảm thiểu khả năng té ngã, trong nhà và ra ngoài.

Yêu cầu bác sĩ đánh giá sức khỏe của xương, đặc biệt nếu các yếu tố nguy cơ gây loãng xương đã được xác định (xem các yếu tố nguy cơ hoặc thực hiện Kiểm tra nguy cơ loãng xương của chúng tôi).

Loãng xương là bệnh rất hay gặp ở người cao tuổi, nó để lại nhiều di chứng nặng nề làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Hi vọng với bài viết này sẽ giúp người xem có được các biện pháp phòng tránh cũng như hạn chế tối đa bệnh loãng xương và hậu quả của chúng.

Nguồn tham khảo

  1. https://moh.gov.vn/diem-tin-y-te/-/asset_publisher/sqTagDPp4aRX/content/-iem-tin-y-te-ngay-9-3-2018
  2. https://www.osteoporosis.foundation/patients/about-osteoporosis
  3. https://www.nia.nih.gov/health/osteoporosis
  4. https://www.healthdirect.gov.au/osteoporosis
  5. https://benhvien108.vn/benh-loang-xuong-osteoporosis-:-mot-so-dieu-can-biet.htm