Giỏ hàng

Tìm Hiểu Bệnh

Bệnh Thoái Hóa Điểm Vàng? Triệu chứng, Nguyên Nhân và Cách Điều Trị?

Mục lục [Ẩn]

Ông bà ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Quả thật là như vậy, thị lực là một trong những giác quan quan trọng nhất của con người. 80% những gì chúng ta cảm nhận được là nhờ vào thị giác. Vì thế, chúng ta cần phải bồi dưỡng và chăm sóc đôi mắt của mình cũng như các bộ phận khác trong cơ thể. Nếu chúng ta biết giữ gìn và bảo vệ đôi mắt đúng cách, điều này sẽ hỗ trợ tăng cường thị lực và giảm nguy cơ mù lòa; đồng thời, ngăn chặn các bệnh về mắt, đặc biệt là bệnh thoái hoá điểm vàng. Mời các bạn hãy cùng Healthy Beauty tìm hiểu về căn bệnh này nhé!

Bệnh thoái hóa điểm vàng

Bệnh thoái hóa điểm vàng là gì?

Bệnh thoái hoá điểm vàng, hay còn được gọi là thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD), là một vấn đề liên quan đến võng mạc do tuổi tác. Nó xảy ra khi một phần của võng mạc được gọi là điểm vàng bị hư hỏng. Điểm vàng là một bộ phận nằm sâu ở vùng trung tâm võng mạc con người. Nó được biết đến như một vùng nhạy cảm nhất của võng mạc và là nơi tập trung hàng triệu tế bào cảm quan. Điểm vàng đóng vai trò quan trọng trong việc thu nhận hình ảnh, giúp nhận biết màu sắc, độ sắc nét của hình ảnh và đặc biệt là quan trọng đối với thị lực trung tâm. Do đó, các bệnh nhân với bệnh thoái hoá điểm vàng thường sẽ gặp tình trạng mắt bị mờ hoặc không có tầm nhìn ở trung tâm thị giác.

Nguyên nhân của bệnh thoái hoá điểm vàng

Bệnh nhân với căn bệnh này có thể gặp một trong hai loại sau:

Thoái hoá điểm vàng thể khô

Thoái hoá điểm vàng thể khô khá phổ biến. Khoảng 80% (8 trong số 10) người bị bệnh thoái hoá điểm vàng sẽ gặp tình trạng này. Tình trạng này phát triển khi mắt già đi. Theo thời gian, các phần hoặc mô của điểm vàng mỏng dần đi và các drusen, các protein nhỏ, phát triển. Từ đó, điểm vàng của các bệnh nhân này sẽ mất đi các tế bào chịu trách nhiệm về thị lực. Điều này sẽ làm bệnh nhân từ từ mất đi thị lực trung tâm. Cho đến thời điểm hiện tại, thoái hoá điểm vàng thể khô vẫn chưa có cách nào để điều trị.

Không ai biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa điểm vàng thể khô. Nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể bị ảnh hưởng bởi sự kết hợp của di truyền và các yếu tố môi trường, bao gồm hút thuốc, béo phì và chế độ ăn uống.

Thoái hoá điểm vàng thể ướt

So với thoái hoá điểm vàng thể khô, thoái hoá điểm vàng thể ướt ít phổ biến nhưng lại nghiêm trọng hơn. Thoái hoá điểm vàng thể ướt là khi các mạch máu bất thường phát triển dưới võng mạc. Các mạch máu này có thể rò rỉ máu hoặc các chất lỏng khác và gây ra sẹo ở điểm vàng. Ở thể ướt, bệnh nhân có thể bị mất thị lực nhanh hơn.

Cũng như thoái hoá điểm vàng thể khô, nguyên nhân chính xác của bệnh thoái hóa điểm vàng thể ướt cũng chưa được xác định rõ ràng, nhưng nó thường phát triển ở những người đã bị thoái hóa điểm vàng thể khô. Trong số tất cả những người bị thoái hóa điểm vàng, khoảng 20% ​​các bệnh nhân sẽ tiến triển thành thể ướt. Thoái hóa điểm vàng thể ướt có thể phát triển theo những cách khác nhau:

  • Mất thị lực do mạch máu phát triển bất thường
  • Mất thị lực do tích tụ chất lỏng ở phía sau mắt.

Bệnh thoái hóa điểm vàng khô và Bệnh thoái hóa điểm vàng ướt

Triệu chứng của bệnh thoái hoá điểm vàng

Ban đầu, các bệnh nhân thường sẽ không cảm nhận được các triệu chứng. Theo thời gian, các bệnh nhân sẽ bị suy giảm thị lực dần dần và có thể ảnh hưởng một hoặc cả hai mắt. Vì bệnh thoái hoá điểm vàng sẽ làm bạn mất đi thị lực trung tâm, điều này cũng đồng nghĩa là bạn sẽ không thể nhìn thấy các chi tiết nhỏ, cho dù bạn đang nhìn ở gần hay ở xa. Tuy nhiên, thị lực ngoại vi (hai bên) vẫn sẽ bình thường và không dẫn đến mù hoàn toàn.

Trong khi, các triệu chứng thoái hóa điểm vàng thể khô thường phát triển dần dần và không gây đau đớn. Các triệu chứng thoái hóa điểm vàng thể ướt sẽ xuất hiện đột ngột và xấu đi nhanh chóng. Một số triệu chứng của cả hai loại có thể bao gồm:

  1. Biến dạng thị giác, chẳng hạn như các đường thẳng dường như bị uốn cong
  2. Giảm thị lực trung tâm ở một hoặc cả hai mắt
  3. Nhu cầu ánh sáng cần phải tăng lên khi đọc hoặc làm việc cận cảnh
  4. Khó thích nghi với mức ánh sáng yếu, chẳng hạn như khi bước vào một nơi nào đó thiếu ánh sáng
  5. Độ mờ của các từ được in ấn trên cùng trang sách báo tăng lên
  6. Cường độ hoặc độ sáng của màu sắc bị giảm đi
  7. Khó nhận dạng khuôn mặt
  8. Điểm mờ hoặc điểm mù được xác định rõ trong tầm nhìn của bạn

Bệnh thoái hóa điểm vàng

Các biến chứng của bệnh thoái hoá điểm vàng

Bệnh thoái hoá điểm vàng không chỉ mang lại nhiều bất lợi về mặt sức khoẻ mà còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người bệnh. Những người bị thoái hóa điểm vàng thể khô khi bệnh tình phát triển sẽ dần mất đi thị lực trung tâm. Từ đó, bệnh nhân có xu hướng bị trầm cảm và cô lập với xã hội. Khi bị mất đi thị lực trầm trọng, những bệnh nhân này còn có thể gặp hội chứng ảo giác Charles Bonnet. Hội chứng này là khi họ nhìn thấy sự vật con người mờ ảo và không rõ nét. Bên cạnh đó, thoái hóa điểm vàng khô sẽ có nguy cơ cao tiến triển thành thoái hóa điểm vàng thể ướt và gây giảm thị lực nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.

Cũng như những người bị thoái hóa điểm vàng thể khô, những người bị thoái hóa điểm vàng thể ướt cũng sẽ dần mất đi thị lực trung tâm, có nguy cơ cao bị trầm cảm, cô lập với xã hội và gặp hội chứng Charles Bonnet.

Ai có nguy cơ mắc bệnh thoái hoá điểm vàng?

Bạn có nhiều khả năng phát triển bệnh nếu bạn:

  • Tuổi tác: bệnh này phổ biến ở những bệnh nhân trên 50 tuổi
  • Có tiền sử gia đình và di truyền bị thoái hoá điểm vàng
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc làm tăng đáng kể nguy cơ thoái hóa điểm vàng.
  • Ăn một chế độ ăn giàu chất béo bão hòa (có trong thực phẩm như thịt, bơ và pho mát)
  • Thừa cân béo phì: Nghiên cứu chỉ ra rằng béo phì có thể làm tăng khả năng bị thoái hóa điểm vàng và dần sẽ tiến triển thành dạng nghiêm trọng
  • Tăng huyết áp (huyết áp cao)
  • Mắc bệnh tim là một yếu tố nguy cơ khác của bệnh thoái hoá điểm vàng, cũng như có mức cholesterol cao.

Khi nào thì cần tìm đến bác sĩ?

Như đã nói trên, nhiều người không nhận ra mình bị căn bệnh này cho đến khi thị lực của họ trở nên rất mờ. Việc mất thị lực trung tâm có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn của bạn và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, chẳng hạn như: khó nhận dạng khuôn mặt, lái xe, đọc hoặc thực hiện các hoạt động khác. Đây là lý do tại sao chúng ta cần thường xuyên đến gặp bác sĩ nhãn khoa để phát hiện kịp thời các dấu hiệu sớm của bệnh thoái hoá điểm vàng trước khi gặp bất kỳ vấn đề nào về thị lực. Các bác sĩ có khả năng nhìn thấy các dấu hiệu của căn bệnh này trước khi bệnh nhân có thể cảm nhận được. Bệnh nhân cần tìm đến các bác sĩ ngay khi:

  • Nhận thấy những thay đổi trong tầm nhìn trung tâm
  • Khả năng nhìn màu sắc và độ chi tiết nhỏ bị suy giảm

Những thay đổi trên có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh thoái hóa điểm vàng, đặc biệt nếu bạn trên 50 tuổi.

Bệnh thoái hóa điểm vàng

Cách phòng ngừa và điều trị bệnh thoái hoá điểm vàng

Hiện nay, bệnh thoái hoá điểm vàng vẫn chưa có cách điều trị, nhưng sự phát triển của thoái hóa điểm vàng có thể được chậm lại bằng nhiều phương pháp các khau. Điều này có thể giúp bệnh nhân không bị mất thị lực nghiêm trọng. Ngoài việc khám mắt định kỳ để xác định các dấu hiệu sớm của bệnh thoái hóa điểm vàng, các biện pháp sau đây có thể giúp giảm nguy cơ phát triển của căn bệnh này:

- Sử dụng các phương pháp điều trị

  • Sử dụng các thuốc chống tạo mạch: Bác sĩ sẽ tiêm những loại thuốc này vào mắt. Điều này sẽ ngăn chặn các mạch máu mới hình thành và suy giảm sự rò rỉ từ các mạch máu bất thường gây thoái hóa điểm vàng thể ướt.
  • Liệu pháp laser: Bác sĩ có thể đề xuất phương pháp điều trị bằng ánh sáng laser năng lượng cao. Liệu pháp này sẽ hỗ trợ phá hủy các mạch máu bất thường đang phát triển vì bệnh thoái hoá điểm vàng .
  • Liệu pháp laser quang động: Phương pháp này sử dụng một loại thuốc nhạy cảm với ánh sáng để làm hỏng các mạch máu bất thường của bạn. Liệu pháp laser quang động bao gồm hai bước. Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc vào máu của bệnh nhân, thuốc này sẽ được hấp thụ bởi các mạch máu bất thường trong mắt. Tiếp theo, họ sẽ chiếu tia laser vào mắt để kích hoạt thuốc, làm tổn thương các mạch máu bất thường.

- Kiểm soát các bệnh lý nền: nếu bạn bị bệnh tim mạch hoặc huyết áp cao, hãy uống thuốc và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát tình trạng bệnh.

- Không hút thuốc: theo nhiều cuộc nghiên cứu, những người hút thuốc có nhiều khả năng bị thoái hóa điểm vàng hơn những người không hút thuốc. Do đó, bạn nên hạn chế hoặc bỏ hút thuốc hoàn toàn.

- Duy trì cân nặng hợp lý và tập thể dục thường xuyên: Nếu bạn cần giảm cân, hãy giảm lượng calo nạp vào cơ thể và tăng lượng vận động mỗi ngày.

- Bổ sung các vitamin và khoáng chất thiết yếu cho thị lực

  • Chọn một chế độ ăn uống dinh dưỡng và khoa học: Lựa chọn thực phẩm có nhiều các vitamin và khoáng chất như các loại trái cây và rau quả. Những thực phẩm này chứa các vitamin và khoáng chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa điểm vàng.
  • Bổ sung axit béo Omega 3: Axit béo omega 3 được tìm thấy trong cá , các loại hạt và dầu thực vật có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng. Các loại thực phẩm này có thể kể đến như: cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá mòi, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó, dầu hạt lanh, dầu đậu nành hoặc dầu hạt cải.
  • Bổ sung các vitamin như Lutein, Zeaxanthin, Vitamin C, vitamin E,…
  • Sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Ngày nay, việc bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu qua đường thực phẩm đủ lượng đôi mắt cần là rất khó do nhiều lý do khác nhau. Do đó, sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có thể đem lại nhiều lợi ích cho những ai cần tăng cường thị lực.

Healthy Beauty xin giới thiệu sản phẩm HB VisionFort Support được sản xuất ở nhà máy đạt tiêu chuẩn cGMP với giấy chứng nhận của FDA tại Mỹ. HB VisionFort Support, với các thành phần hữu ích cho mắt, giúp đôi mắt luôn sáng khỏe, tăng cường thị lực và ngăn ngừa nguy cơ bị thoái hóa điểm vàng.

>>> Xem thêm thông tin sản phẩm HB VisionFort Support

Theo Ds. Thảo Vy