Tìm Hiểu Bệnh
Viêm Gan B Và Những Điều Cần Biết
Mục lục [Ẩn]
Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan có thể đe dọa tính mạng do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Viêm gan B đang được coi là một gánh nặng sức khỏe toàn cầu. HBV có thể gây nhiễm trùng mãn tính và khiến người bệnh có nguy cơ tử vong cao do xơ gan và ung thư gan.
May mắn là, hiện nay có nhiều biện pháp giúp ngăn ngừa nhiễm trùng viêm gan B hoặc ngăn chặn biến chứng bao gồm viêm gan mãn tính và ung thư gan nếu phát hiện sớm. Cùng Healthy Beauty tìm hiểu chi tiết Viêm gan B là gì, cách phòng ngừa cũng như điều trị ra sao nhé!
Dịch tễ học
Hiện nay, ước tính có trên 2 tỷ dân số thế giới đã và đang bị nhiễm HBV, khoảng 400 triệu người mang HBV mạn, trong đó 75% là người châu Á. Hàng năm, có gần 1 triệu người chết do những bệnh lý liên quan đến nhiễm HBV như xơ gan, ung thư gan.
HBV lây nhiễm gấp 100 lần so với HIV. HBV là một yếu tố gây ung thư đứng thứ 2 sau thuốc lá, là nguyên nhân gây ra 60-80% trường hợp ung thư gan nguyên phát và 50% trường hợp xơ gan.
Tại vùng Châu Á Thái Bình Dương, tỷ lệ lưu hành cao gồm Việt Nam và các nước vùng Tây Thái Bình Dương. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm HBV cao nhất thế giới 15%-20% , tức khoảng 10 -14 triệu người.
Viêm gan B là gì?
Viêm gan B lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc một số chất dịch bị nhiễm virus gây bệnh. Virus này thường được truyền từ phụ nữ mang thai sang thai nhi hoặc trẻ sơ sinh trong khi sinh, do sự trao đổi máu diễn ra giữa mẹ và con. Nó cũng lây từ kim tiêm, thiết bị y tế hoặc dụng cụ nha khoa chưa vô trùng, quan hệ tình dục không an toàn, hoặc dùng chung vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ cắt móng tay, đồ trang sức,..
Viêm gan B là một “bệnh dịch thầm lặng” vì hầu hết mọi người không có triệu chứng khi mới nhiễm. Do đó, họ có thể vô tình truyền virus cho người khác và tiếp tục lây lan âm thầm. Đối với bệnh nhân nhiễm bệnh mãn tính nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào, gan của họ vẫn có thể tiến triển tổn thương âm thầm tăng nguy cơ phát triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.
Virus viêm gan B
Virus viêm gan B là một loại virus DNA thuộc họ “Hepadnaviridae”. Các virus thuộc họ này cũng được tìm thấy ở bọ ngựa, sóc đất, sóc cây, vịt Bắc Kinh và chim diệc.
Cấu trúc của virus viêm gan B
Virus viêm gan B chứa một vỏ ngoài và một lõi bên trong.
Vỏ ngoài của virus được cấu tạo bởi một protein bề mặt được gọi là kháng nguyên bề mặt viêm gan B hoặc "HBsAg". HBsAg có thể được phát hiện bằng một xét nghiệm máu đơn giản với kết quả xét nghiệm dương tính tương ứng người đó đã bị nhiễm virus viêm gan B.
Lõi bên trong của virus là một vỏ protein được gọi là kháng nguyên lõi viêm gan B hoặc "HBcAg", chứa DNA của virus viêm gan B và các enzym được sử dụng trong quá trình nhân lên của virus.
Vòng đời của virus viêm gan B
Virus viêm gan B (HBV) có một vòng đời phức tạp. Virus xâm nhập vào tế bào gan vật chủ và được vận chuyển vào nhân tế bào gan. Khi vào bên trong nhân, DNA của virus được biến đổi thành DNA hình tròn khép kín cộng hóa trị (cccDNA), dùng làm khuôn mẫu cho sự nhân lên của virus (tạo ra virus viêm gan B mới). Virus HBV mới được “đóng gói” và rời khỏi tế bào gan, với cccDNA của virus ổn định vẫn còn trong nhân, giúp tích hợp vào DNA của tế bào gan vật chủ, cũng như tiếp tục tạo ra virus viêm gan B mới. Mặc dù các phân tích vòng đời vẫn còn nghiên cứu hạn chế, nhưng các phần của quá trình sao chép này rất dễ xảy ra lỗi, điều này giải thích cho các kiểu gen hoặc “mã di truyền” khác nhau của virus viêm gan B.
Dấu hiệu nhận biết
Sau khi bị nhiễm HBV lần đầu tiên:
- Một số người có thể không có triệu chứng.
- Một số người cảm thấy mỏi mệt trong khoảng vài ngày hoặc vài tuần.
- Một số người cảm thấy như bị ốm hoặc cảm lạnh thoáng qua (thường thấy ở viêm gan tối cấp).
Các triệu chứng có thể không xuất hiện tối đa 6 tháng sau thời điểm nhiễm bệnh. Các triệu chứng ban đầu thường là:
- Mất cảm giác ngon miệng
- Mệt mỏi
- Sốt nhẹ
- Đau nhức cơ và khớp
- Buồn nôn, nôn mửa
- Da vàng hoặc nước tiểu sẫm màu
Các triệu chứng sẽ biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng nếu cơ thể chúng ta có thể chống lại virus gây viêm. Một số bệnh nhân thường sẽ nhiễm bệnh đến suốt đời, đây được gọi là bệnh viêm gan B mãn tính.
Những người bị viêm gan mãn tính có thể không có triệu chứng và có thể không biết mình bị nhiễm bệnh. Theo thời gian, viêm gan sẽ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.
Bạn có thể lây truyền HBV cho người khác, ngay cả khi bạn không có triệu chứng.
Chẩn đoán và điều trị viêm gan B
Theo HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM GAN VIRUS B
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3310/QĐ-BYT ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Chẩn đoán viêm gan virus B cấp
Tiền sử: người bệnh có truyền máu hay các chế phẩm của máu, tiêm chích, quan hệ tình dục không an toàn trong khoảng 4-24 tuần trước khởi bệnh.
Lâm sàng:
- Đa số không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng.
- Trong thể điển hình, có thể xuất hiện các triệu chứng như: sốt (khi chưa vàng da), mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, vàng da, vàng mắt, tiểu sẫm màu, đau tức vùng gan...
- VGVR B cấp có thể diễn tiến nặng sang suy gan cấp dẫn đến bệnh não gan, tỷ lệ tử vong cao.
Cận lâm sàng:
- AST, ALT tăng, thường trên 5 lần giới hạn trên của mức bình thường (ULN, ULN: 35 U/L đối với nam, 25 U/L đối với nữ).
- Bilirubin có thể tăng.
- Anti-HBc IgM dương tính, HBsAg dương tính (hoặc âm tính trong giai đoạn cửa sổ).
Điều trị: Hơn 95% người lớn bị VGVR B cấp sẽ hồi phục một cách tự nhiên mà không cần điều trị thuốc kháng vi rút. Điều trị VGVR B cấp chủ yếu là điều trị hỗ trợ.
Chẩn đoán và điều trị viêm gan B mạn
Chẩn đoán
Chẩn đoán nhiễm HBV mạn
- HBsAg và/hoặc HBV DNA dương tính ≥ 6 tháng, hoặc
- HBsAg dương tính và anti-HBc IgM âm tính.
Chẩn đoán khác các giai đoạn của nhiễm HBV mạn
Điều trị
Mục tiêu điều trị
- Ức chế lâu dài sự sao chép của HBV.
- Cải thiện chất lượng sống, ngăn ngừa diễn tiến xơ gan, HCC.
- Dự phòng lây truyền HBV cho cộng đồng bao gồm dự phòng lây truyền mẹ con.
- Dự phòng đợt bùng phát VGVR B.
Nguyên tắc điều trị
- Lựa chọn ban đầu là các thuốc uống nucleot(s)ide analogues (NAs). Chỉ nên dùng các phác đồ có Peg-IFN đối với một số trường hợp đặc biệt.
- Điều trị VGVR B mạn với NAs là điều trị lâu dài, có thể kéo dài suốt đời.
- Tuân thủ điều trị.
Chuẩn bị điều trị
- Tư vấn cho người bệnh về các vấn đề sau:
- Sự cần thiết, mục tiêu và hiệu quả điều trị với thuốc kháng vi rút.
- Tầm quan trọng của tuân thủ điều trị (cách uống thuốc, uống thuốc đúng giờ, tái khám đúng hẹn...).
- Các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán, theo dõi và đánh giá điều trị.
- Thời gian điều trị lâu dài, có thể suốt đời (đối với NAs).
- Tác dụng không mong muốn của thuốc.
- Biến chứng HCC có thể xảy ra, kể cả trong quá trình điều trị kháng vi rút, đặc biệt các trường hợp có xơ hóa gan F ≥ 3.
Các xét nghiệm cần làm trước khi điều trị:
- Tổng phân tích tế bào máu (Công thức máu).
- AST, ALT, creatinine huyết thanh.
- Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan khi cần thiết như bilirubin, albumin, tỷ lệ prothrombin, INR,...
- Siêu âm bụng, AFP, ...
- HBeAg, tải lượng HBV DNA.
- Anti - HCV.
- Đánh giá giai đoạn xơ hóa gan bằng chỉ số APRI hoặc một trong các kỹ thuật: FibroScan, ARFI, sinh thiết gan,...
- Nếu người bệnh điều trị Peg-IFN cần làm thêm các xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp (TSH, FT3, FT4), điện tâm đồ,...
- Các xét nghiệm khác theo chỉ định lâm sàng.
Tuỳ theo từng giai đoạn nhiễm bệnh mà có các phác đồ điều trị viêm gan B khác nhau.
Sàng lọc và phòng ngừa viêm gan B
Những quần thể có nguy cơ cao nên được tầm soát nhiễm HBV. CDC Hoa Kỳ khuyến nghị tầm soát HBV định kỳ ở những quần thể có tỷ lệ lưu hành HBsAg ít nhất là 2%, bao gồm cả những người dân nhập cư.
Bệnh viêm gan virus B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng vắc xin sớm và đúng quy định. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả trẻ em cần được tiêm phòng vắc xin viêm gan B. Đối với khu vực có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao, trẻ em cần được tiêm vắc xin sớm trong vòng 24 giờ sau khi sinh và tiêm các liều sau đó theo đúng lịch tiêm chủng.
Mỗi phụ nữ mang thai nên được xét nghiệm HBsAg trong lần khám tiền sản đầu tiên. Theo các bước như sau:
Bước 1: Ở lần khám thai đầu tiên, thai phụ sẽ được tư vấn làm xét nghiệm viêm gan B.
Bước 2: Trong trường hợp kết quả dương tính, thai phụ sẽ được chuyển đến cơ sở có khả năng chăm sóc và điều trị viêm gan B cho thai phụ đồng thời áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.
Bước 3: Khi trẻ sinh ra:
- Đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B, trẻ cần được tiêm vắc xin viêm gan B liều đầu và huyết thanh miễn dịch trong 24 giờ đầu sau sinh. Sau đó, trẻ sẽ được tiêm các mũi vắc xin viêm gan B theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Đối với trẻ sinh ra từ mẹ không nhiễm viêm gan B, trẻ vẫn được tiêm vắc xin viêm gan B.
Bước 4: Ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B, khi trẻ đủ 12 tháng tuổi, cần đưa trẻ đi xét nghiệm viêm gan B tại các cơ sở y tế.
Viêm gan B là căn bệnh có diễn biến khó lường và những biến chứng nguy hiểm nếu không kiểm soát tốt virus. Người dân ngoài việc kiểm soát bệnh, cân bằng chế độ dinh dưỡng thì cần phải kiểm tra sàng lọc và phòng ngừa cần thiết. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, quý độc giả hãy nhắn tin để được chuyên gia Healthy Beauty tư vấn nhé!
Bài viết trên chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị.
Dược sĩ Hồng Ngọc
Nguồn tham khảo:
- https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-b
- https://www.hepb.org/what-is-hepatitis-b/what-is-hepb/
- https://www.mountsinai.org/health-library/diseases-conditions/hepatitis-b
- http://hoiyhoctphcm.org.vn/197/
- http://file.medinet.gov.vn/%2Fdata%2Fsoytehcm%5Csoytehcm%5Cattachments%2F2019_8%2F07%2F4238-syt-nvy_78201920.pdf
- https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2010/0415/p965.html#screening-and-prevention
- https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/suc-khoe-sinh-san/du-phong-lay-truyen-viem-gan-b-vgb-tu-me-sang-con-som-f31ad7bb74acd60896ced5eecaf4ae96.html