Giỏ hàng

Tìm Hiểu Bệnh

Tê Bì Chân Tay Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Điều Trị

Mục lục [Ẩn]

Tê tay hoặc chân là một triệu chứng phổ biến liên quan đến một số tình trạng khác nhau, từ tổn thương thần kinh đến các tình trạng liên quan đến cảm giác. Trong một số trường hợp, tê có thể là dấu hiệu của một trường hợp khẩn cấp y tế, chẳng hạn như đột quỵ. Tê bì chân tay có thể dẫn đến các vấn đề khác, chẳng hạn như té ngã, chấn thương, nhiễm trùng hoặc đau nhức. Vậy tê bì chân tay là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị như thế nào? Cùng Healthy Beauty tìm hiểu qua bài viết sau.

Tê bì chân tay là bệnh gì?

Tê là một triệu chứng, mất cảm giác ở một bộ phận cụ thể của cơ thể, đôi khi được gọi là 'dị cảm'. Bạn có thể bị tê ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng thường thấy nhất là ở ngón tay, bàn tay, bàn chân, cánh tay hoặc chân. Các cảm giác có thể tập trung vào một phần cơ thể hoặc bạn có thể cảm thấy ngứa ran khắp người, như thể bạn đang bị nhiều mũi kim nhỏ châm vào.

Hầu hết các trường hợp tê không nghiêm trọng. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, tê bì chân tay gây ra các biến chứng liên quan đến việc không cảm thấy đau (ví dụ: gây bỏng nếu không thể cảm nhận được cơn đau do nhiệt độ cao). Nó cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng như bệnh tiểu đường hoặc bệnh đa xơ cứng,…

Triệu chứng của tê bì chân tay là gì?

Tê bì chân tay có thể gây ra nhiều cảm giác khác nhau ở các bộ phận khác nhau của cánh tay và chân hoặc khắp các chi, tê có thể tạm thời hoặc mãn tính. Nhiều người bị tê tay, chân có các triệu chứng khác cùng lúc hoặc từng đợt, chẳng hạn như:

  • Ngứa ran
  • Nóng tại vị trí tê
  • Cảm giác châm chích dưới da

Ngoài ra bạn cần thăm khám bác sĩ ngay nếu chân tay của bạn bị tê trong thời gian dài và đi kèm các triệu chứng sau:

  • Chóng mặt
  • Khó nói
  • Khó thở
  • Co thắt cơ bắp
  • Phát ban
  • Tê chân tồi tệ hơn khi đi bộ
  • Đã có một chấn thương gần đây, đặc biệt là ở lưng, cổ hoặc vùng đầu
  • Cảm giác đau nhức
  • Không thể kiểm soát ruột hoặc bàng quang của bạn

Nguyên nhân gây tê bì chân tay

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tê bì chân tay như: Do thói quen, tình trạng bệnh lý,….

Tư thế

Thói quen tư thế gây áp lực lên dây thần kinh hoặc làm giảm lưu lượng máu ở chi dưới là nguyên nhân phổ biến nhất gây tê chân tạm thời. Những thói quen có thể kể đến bao gồm:

  • Vắt chéo chân quá lâu
  • Ngủ đè lên cánh tay
  • Ngồi hoặc quỳ trong thời gian dài
  • Ngồi trên đôi chân
  • Mặc quần, tất hoặc giày quá chật

Chấn thương

Các chấn thương trên cơ thể như: cột sống, hông, cẳng chân, mắt cá và bàn chân có thể gây áp lực lên dây thần kinh và khiến bàn chân tê bì.

Các vấn đề về lưng và đau thần kinh tọa

Các vấn đề ở lưng dưới, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm cột sống, có thể gây chèn ép các dây thần kinh đi đến chân, dẫn đến tê hoặc rối loạn cảm giác.

Đau dây thần kinh tọa là tên gọi của sự kích thích dây thần kinh tọa chạy từ lưng xuống chân. Nếu dây thần kinh này bị kích thích hoặc bị nén, một người có thể bị tê hoặc ngứa ran ở chân hoặc bàn chân.

Bệnh tiểu đường

Một số người mắc bệnh tiểu đường phát triển một loại tổn thương thần kinh được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường. Những tổn thương xảy ra trên dây thần kinh xảy ra do tình trạng đường huyết tăng cao và kéo dài có thể gây tê, ngứa ran và đau ở bàn chân, và nếu nghiêm trọng là cả chân.

Hội chứng ống cổ chân (Tarsal Tunnel Syndrome)

Hội chứng ống cổ chân hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ chân xảy ra khi một dây thần kinh chạy dọc xuống mặt sau của chân và dọc theo mặt trong của mắt cá chân và bàn chân bị nén, ép hoặc bị tổn thương. Những người bị hội chứng đường hầm cổ chân có xu hướng cảm thấy tê, bỏng rát, ngứa ran và đau nhức ở mắt cá chân, gót chân và bàn chân.

Hội chứng ống cổ tay (Carpal Tunnel Syndrome – CTS)

Ống cổ tay là một lối đi hẹp chạy qua tâm cổ tay, ở trung tâm của đường hầm này là dây thần kinh giữa. Dây thần kinh này cung cấp cảm giác cho các ngón tay của bạn, bao gồm ngón cái, trỏ, giữa và một phần của ngón đeo nhẫn.

Các hoạt động lặp đi lặp lại như đánh máy có thể khiến các mô xung quanh dây thần kinh giữa sưng lên và gây áp lực lên dây thần kinh này. Áp lực có thể gây tê cùng với ngứa ran, đau và yếu ở tay bị ảnh hưởng.

Sử dụng rượu

Các chất độc trong rượu có thể gây tổn thương dây thần kinh có liên quan đến tê bì, đặc biệt là ở bàn chân.

Nghiên rượu hoặc uống quá nhiều cũng có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh gây tê. Loại tổn thương thần kinh này có liên quan đến việc giảm mức độ vitamin B, chẳng hạn như B-1 (thiamine), B-9 ( folate ) và B-12, do uống quá nhiều rượu.

Một số loại thuốc

Tổn thương dây thần kinh có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc khác nhau, đặc biệt là những loại thuốc điều trị ung thư. Nó có thể ảnh hưởng đến cả bàn tay và bàn chân.

Một số loại thuốc có thể gây tê bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Metronidazole (Flagyl), Nitrofurantoin (Macrobid) và Fluoroquinolones (Cipro ).
  • Thuốc chống ung thư: Cisplatin và Vincristine
  • Thuốc chống động kinh: Phenytoin (Dilantin).
  • Thuốc tim hoặc huyết áp: Amiodarone (Nexterone) và Hydralazine (Apresoline).

Các triệu chứng khác của tổn thương thần kinh do thuốc bao gồm:

  • Giảm cảm giác
  • Ngứa ran

Đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa là một tình trạng mãn tính hoặc kéo dài, gây ra các cơn đau, nhức và căng cơ lan rộng. Một số người bị đau cơ xơ hóa cũng bị tê và ngứa ran ở bàn tay và bàn chân.

Hầu hết những người bị đau cơ xơ hóa trải qua nhiều triệu chứng bao gồm:

  • Cứng và đau nhức không rõ lý do, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc sau khi ngủ
  • Kiệt sức
  • Các vấn đề về trí nhớ
  • Hội chứng chân không yên

Hầu như tất cả mọi người bị đau cơ xơ đều trải qua các triệu chứng ở nhiều bộ phận của cơ thể trong ít nhất 3 tháng một lần. Nếu tê bì chân tay không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào khác hoặc không kéo dài thì không chắc là do đau cơ xơ hóa.

Một số nguyên nhân khác

Các tình trạng y tế khác có thể gây tê bao gồm:

  • Nhiễm trùng như HIV hoặc bệnh Lyme
  • Bệnh thận
  • Đột quỵ
  • Viêm khớp
  • Rối loạn tuyến giáp
  • Khối u
  • Sự lây lan của ung thư đến cột sống
  • Động vật và côn trùng cắn
  • Tiếp xúc với chất độc

Chuẩn đoán tê bì chân tay

Bởi vì tê bì chân tay có thể do nhiều yếu tố, các bác sĩ thường sử dụng một cuộc kiểm tra tổng thể để xác định nguyên nhân của nó. Bao gồm:

Lấy bệnh sử

Bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng sức khỏe trước đó cũng như thời điểm bắt đầu tê. Ví dụ:

  • Chân tay của bạn bị tê bao lâu rồi?
  • Gần đây bạn có gặp bất kỳ chấn thương hoặc té ngã nào không?

Tiến hành khám sức khỏe

Bác sĩ sẽ khám và kiểm tra chức năng thần kinh. Điều này bao gồm kiểm tra phản xạ, sức mạnh cơ bắp và các chức năng cảm giác.

Điều quan tâm đặc biệt là vị trí đang bị tê bì chân tay ở đâu và ở mức độ nào. Ví dụ, tê cả hai bên cơ thể có thể chỉ ra một tổn thương não. Tê chỉ ở một phần của tứ chi có thể cho thấy tổn thương dây thần kinh ngoại vi,....

Thực hiện thử nghiệm lâm sàng

Có thể cần thêm hình ảnh và xét nghiệm máu để chẩn đoán. Chúng bao gồm chụp MRI hoặc CT để hình dung não tốt hơn nhằm kiểm tra đột quỵ hoặc khối u. Các xét nghiệm máu mà bác sĩ có thể yêu cầu bao gồm:

  • Phân tích tế bào máu (CBC)
  • Kiểm tra chức năng thận
  • Đo lượng đường huyết
  • Kiểm tra mức độ vitamin B-12
  • Xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp (TSH)

Cách điều trị tê bì chân tay

Điều trị tê bì chân tay có thể thay đổi tùy theo nguyên nhân. Mục tiêu của việc điều trị là khắc phục tình trạng gây tê. Bác sĩ sẽ xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn dựa trên tình trạng cơ bản và các dây thần kinh liên quan. Một số phương pháp điều trị phổ biến cho chứng tê bì chân tay bao gồm:

  • Thuốc giảm đau dây thần kinh
  • Kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường
  • Các bài tập vật lý trị liệu để tăng cường cột sống hoặc giúp vận động dễ dàng
  • Phẫu thuật để loại bỏ một khối u hoặc sửa chữa một vấn đề ở cột sống

Có rất nhiều lý do khiến bạn cảm thấy tê bì chân tay và không phải tất cả các nguyên nhân đều đáng báo động. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chẩn đoán một tình trạng cơ bản. Sau khi xác định được nguyên nhân gây tê tay, và thiết lập một kế hoạch điều trị giúp giảm bớt các triệu chứng. Nếu bạn cảm thấy tê bì chân tay kéo dài hoặc đi kèm với các vấn đề khác mà Healthy Beauty kể trên tốt nhất nên tham vấn ý kiến của bác sĩ hoặc người có chuyên môn.

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.healthline.com/health/numbness-of-limbs
  2. https://www.healthdirect.gov.au/limb-numbness
  3. https://www.mayoclinic.org/symptoms/numbness/basics/causes/sym-20050938
  4. https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/21015-numbness
  5. https://www.medicalnewstoday.com/articles/321560
  6. https://www.healthline.com/health/numbness-in-hands#causes