Giỏ hàng

Tìm Hiểu Bệnh

Hội Chứng Ống Cổ Tay: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Mục lục [Ẩn]

Hội chứng Ống cổ tay có thể gặp ở người đi xe máy nhiều giờ trong ngày, nhân viên văn phòng sử dụng máy tính... Theo thống kê ở Mỹ năm 2005 có tới 16.440 người lao động phải nghỉ việc do bị Hội chứng Ống cổ tay. Việc được phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Vậy Hội chứng Ống cổ tay là gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị bệnh lý này ra sao? Cùng Healthy Beauty tìm hiểu qua bài viết sau.

Hội chứng Ống cổ tay là gì?

Hội chứng Ống cổ tay là khi dây thần kinh giữa bị nén khi nó đi qua ống cổ tay, đi vào bàn tay. Dây thần kinh giữa nằm trên lòng bàn tay của bạn. Ống cổ tay là một lỗ mở ở cổ tay, được hình thành bởi xương cổ tay (phía dưới) và dây chằng ngang cổ tay (phía trên). Dây thần kinh giữa cung cấp các chức năng cảm giác và vận động cho ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần ngón đeo nhẫn (ngón áp út). Nếu nó bị nén hoặc bị chèn ép, bạn có thể gặp các triệu chứng như tê, yếu, ngứa ran, … ở trên bàn tay gần ngón cái.

Nguyên nhân nào gây ra Hội chứng Ống cổ tay

Hầu hết các trường hợp Hội chứng Ống cổ tay không có nguyên nhân cụ thể, tuy nhiên một số nguyên nhân sau đây có thể góp phần gây nên tình trạng này:

  • Các chuyển động nhỏ thường xuyên, lặp đi lặp lại của bàn tay (chẳng hạn như khi đánh máy)
  • Các chuyển động cầm nắm thường xuyên, lặp đi lặp lại bằng tay (chẳng hạn như với các môn thể thao và các hoạt động thể chất nhất định)
  • Bệnh xương khớp hoặc rối loạn tự miễn dịch (ví dụ: viêm khớp, viêm xương khớp hoặc viêm khớp dạng thấp)
  • Thay đổi nội tiết tố hoặc chuyển hóa (ví dụ: mãn kinh, mang thai hoặc mất cân bằng, rối loạn tuyến giáp)
  • Thay đổi lượng đường trong máu (có thể thấy ở bệnh tiểu đường tuýp II)
  • Gãy xương hoặc chấn thương khác ở cổ tay (ví dụ: căng cơ+, bong gân, trật khớp, sưng và viêm)
  • Huyết áp cao
  • Tiền sử gia đình mắc Hội chứng Ống cổ tay

Ai có nguy cơ mắc Hội chứng Ống cổ tay?

Phụ nữ có nguy cơ mắc Hội chứng Ống cổ tay cao gấp 3 lần nam giới. Hội chứng Ống cổ tay được chẩn đoán thường xuyên nhất ở độ tuổi từ 30 đến 60. Một số bệnh lý nhất định làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng này, bao gồm bệnh tiểu đường, huyết áp cao và viêm khớp .

Các yếu tố lối sống có thể làm tăng nguy cơ mắc Hội chứng Ống cổ tay bao gồm hút thuốc, ăn nhiều muối, ít vận động và chỉ số khối cơ thể cao (BMI cao – béo phì).

Các công việc liên quan đến chuyển động cổ tay lặp đi lặp lại có nguy cơ mắc Hội chứng Ống cổ tay cao hơn, bao gồm:

  • Tài xế
  • Chế tạo vi mạch
  • Dây chuyền lắp ráp
  • Công trình xây dựng
  • Dân văn phòng sử dụng bàn phím nhiều

Triệu chứng của Hội chứng Ống Cổ tay

  • Yếu khi cầm nắm đồ vật bằng một hoặc cả hai tay
  • Đau hoặc tê rần ở một hoặc cả hai tay, có khi lan lên cánh tay
  • Cảm giác “kim châm” ở các ngón tay
  • Cảm giác sưng tấy ở các ngón tay
  • Cảm giác nóng hoặc ngứa ran ở các ngón tay, đặc biệt là ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa
  • Cảm giác đau hoặc tê nặng hơn vào ban đêm, làm gián đoạn giấc ngủ

Cách chuẩn đoán Hội chứng Ống cổ tay

Bác sĩ hoặc người có Chuyên môn sẽ kiểm tra tiền sử bệnh của bạn và khám sức khoẻ. Họ có thể khuyên bạn làm các xét nghiệm kiểm tra vận tốc dẫn truyền trên dây thần kinh.

Khám sức khỏe bao gồm đánh giá chi tiết bàn tay, cổ tay, vai, cổ của bạn để tìm ra nguyên nhân nào gây áp lực thần kinh và xem xét cổ tay của bạn để tìm các dấu hiệu của Hội chứng Ống cổ tay. Họ sẽ kiểm tra cảm giác của các ngón tay và sức mạnh của các cơ trên bàn tay (dấu hiệu Tinel dương tính, dấu hiệu Phalen dương tính).

Kiểm tra vận tốc dẫn truyền trên dây thần kinh là các xét nghiệm có thể đo được tốc độ di chuyển của các xung thần kinh. Nó cũng là cách tốt nhất để chẩn đoán Hội chứng này. Nếu xung thần kinh được truyền chậm hơn bình thường thì bạn có thể bị Hối chứng Ống cổ tay. Các tiêu chuẩn cận lâm sàng để xác nhận thông số này:

  • Thời gian tiềm dây giữa cảm giác > 3,2 ms và vận động > 4,2 ms.
  • Tốc độ đo dẫn truyền cảm giác, vận động dây giữa < 50m/s ở cổ tay.
  • Siêu âm đầu dò phẳng tần số 12 HZ:CSA – I (Thiết diện cắt ngang đầu vào) lớn hơn 9,5mm2 và CSA – O (Thiết diện cắt ngang đầu ra) lớn hơn 9,2mm2

Điều trị Hội chứng Ống cổ tay

Bác sĩ hoặc người có Chuyên môn sẽ tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất và phù hợp nhất cho bạn dựa trên:

  • Độ tuổi
  • Sức khỏe tổng thể và tiền sử bệnh
  • Tình trạng hiện tại của cổ tay
  • Mức độ dung nạp đối với các loại thuốc, thủ thuật hoặc liệu pháp cụ thể
  • Dự kiến ​​căn bệnh sẽ diễn biến xấu như thế nào
  • Ý kiến ​​hoặc sở thích của bạn

Điều trị phi phẫu thuật có thể bao gồm:

Cách sử dụng bàn phím giảm nguy cơ bị Hội chứng Ống cổ tay

  • Tránh vận động hay kéo dài cổ tay quá mức.
  • Thay đổi địa điểm, vị trí, góc độ làm việc.
  • Điều trị tình trạng, bệnh nền trước (viêm khớp, tiểu đường, huyết áp, …)
  • Nẹp cổ tay: Điều này giúp cổ tay của bạn không bị xê dịch. Nó cũng giúp giảm bớt sự chèn ép của các dây thần kinh bên trong đường hầm. Đặc biệt vào ban đêm.
  • Tập thể dục: Các bài tập kéo giãn và tăng cường sức mạnh có thể hữu ích ở những người có các triệu chứng đã thuyên giảm. Các bài tập này có thể được giám sát bởi một nhà vật lý trị liệu hoặc người có Chuyên môn.
  • Thuốc chống viêm, thuốc giảm đau.
  • Tiêm Steroid vào khu vực ống cổ tay.

Điều trị phẫu thuật Hội chứng Ống cổ tay

Phẫu thuật Hội chứng Ống cổ tay thường được điều trị ngoại trú, không cần nằm viện quá lâu. Hai loại phẫu thuật ống cổ tay thường được thực hiện là phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi. Bạn có thể được gây tê cục bộ hoặc toàn thân, hoặc cả hai.

Trong quá trình phẫu thuật mở, bác sĩ phẫu thuật sẽ mổ hở cổ tay của bạn. Các dải mô đè lên dây thần kinh bị cắt bỏ. Điều này làm giảm áp lực lên dây thần kinh.

Còn trong quá trình phẫu thuật nội soi, bác sĩ phẫu thuật đưa một thanh dài và mảnh qua một vết cắt nhỏ trên cổ tay. Que (ống soi) chứa một máy ảnh và đèn chiếu sáng. Ống soi cho phép bác sĩ phẫu thuật nhìn thấy bên trong cổ tay. Họ cắt mô bằng các dụng cụ phẫu thuật nhỏ. Phẫu thuật nội soi sẽ mau lành hơn.

Sau khi phẫu thuật, bàn tay và cổ tay của bạn được quấn và nẹp lại. Điều này sẽ giúp bạn không cử động cổ tay trong quá trình hồi phục. Bạn sẽ cần phải đeo nẹp trong một hoặc hai tuần. Bạn có thể sẽ bị đau sau khi phẫu thuật. Việc này thường được kiểm soát bằng thuốc giảm đau. Bạn cũng có thể được yêu cầu nâng cao tay khi ngủ để giúp giảm sưng.

Phục hồi sau phẫu thuật ống cổ tay ở mỗi người là khác nhau. Nếu dây thần kinh của bạn đã bị nén trong một thời gian dài, quá trình phục hồi có thể lâu hơn. Bạn sẽ được khuyến khích cử động ngón tay và cử động nhẹ cổ tay một vài ngày sau khi phẫu thuật để giúp ngăn ngừa cứng khớp.

Bạn có thể cần điều chỉnh công việc và các hoạt động ở nhà trong khi hồi phục. Nói chuyện với bác sĩ hoặc người có Chuyên môn về những gì bạn mong muốn, những gì bạn cần thay đổi để cơ thể bạn luôn khoẻ mạnh nhất có thể.

Dược sĩ Kim My

Nguồn tham khảo

  1. http://benhvien108.vn/chan-doan-va-dieu-tri-hoi-chung-ong-co-tay.htm
  2. https://www.healthline.com/health/carpal-tunnel-syndrome
  3. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/carpal-tunnel-syndrome