Giỏ hàng

Tìm Hiểu Bệnh

Hội Chứng Ruột Kích Thích: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Mục lục [Ẩn]

Hội chứng Ruột kích thích là một bệnh thường gặp ở người lớn, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất từ 18 - 30 tuổi, giảm dần sau tuổi 50 và nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới với tỷ lệ 2:1. Những người có trình độ học vấn cao, học sinh, cán bộ nhà nước,… có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với công nhân, nông dân và người thành thị có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn ở vùng nông thôn

Vậy Hội chứng Ruột kích thích là gì? Có nguy hiểm hay không? Triệu chứng và cách điều trị ra sao? Cùng Healthy Beauty tìm hiểu kĩ hơn ở bài viết sau nhé.

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng Ruột kích thích (IBS - Irritable Bowel Syndrome) là một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. IBS còn được gọi là đại tràng co thắt hoặc là hội chứng đại tràng kích thích. Chúng thường tái đi tái lại nhiều lần mà người bệnh đi khám, làm các xét nghiệm nhưng đều không thấy bất kỳ một tổn thương thực thể nào về giải phẫu, tổ chức học cũng như sinh hóa ở ruột.

Hội chứng Ruột kích thích là một loại rối loạn chức năng tiêu hoá (GI). Do sự rối loạn dẫn truyền thần kinh giữa ruột và não, sự phối hợp kém hiệu quả giữa các tín hiệu làm cho cơ thể của bạn phản ứng quá mức với những thay đổi thường xảy ra trong quá trình tiêu hoá.

Chứng rối loạn chức năng tiêu hóa này khá phổ biến và thường là vấn đề suốt đời, rất khó chịu khi phải sống chung và có thể ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bạn. Một nghiên cứu được thực hiện năm 2022 đã chỉ ra rằng IBS không làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm đại tràng, bệnh Crohn hay ung thư đường tiêu hoá. IBS không nguy hiểm đến tính mạng cũng không làm giảm tuổi thọ, tuy không có cách chữa trị nhưng có nhiều cách để quản lý và kiểm soát các triệu chứng với thuốc chống co thắt, thuốc điều hòa thần kinh, thuốc nhu động ruột và thuốc chống trầm cảm,…

Các loại hội chứng ruột kích thích

Các nhà nghiên cứu phân loại Hội chứng Ruột kích thích dựa trên loại vấn đề chuyển động ruột mà bạn gặp phải. Loại IBS có thể ảnh hưởng đến việc điều trị của bạn. Một số loại thuốc chỉ hoạt động đối với một số loại IBS. Những người bị hội chứng Ruột kích thích đi đại tiện bình thường trong một số ngày và bất thường vào những ngày khác. IBS được chia ra thành các loại:

  • IBS kèm theo táo bón (IBS-C): Hầu hết phân đều cứng và vón cục.
  • IBS kèm theo tiêu chảy (IBS-D): Hầu hết phân đều lỏng và có nước.
  • IBS với thói quen đại tiện hỗn hợp (IBS-M): Bạn đi đại tiện phân cứng và vón cục, phân lỏng và nước trong cùng một ngày.

Triệu chứng của Hội chứng Ruột kích thích

Triệu chứng chính của Hội chứng Ruột kích thích là:

  • Co thắt ruột, đau dạ dày hoặc co thắt như bị chuột rút ở bụng – thường tồi tệ hơn sau khi ăn và tốt hơn sau khi đi đại tiện
  • Đầy hơi, chướng bụng – bụng của bạn có thể cảm thấy đầy và sưng căng lên một cách khó chịu dù chưa ăn được bao nhiêu
  • Tiêu chảy – đi đại tiện phân lỏng có nhiều nước hoặc đôi khi không tự chủ
  • Táo bón - cảm giác căng thẳng khi đi đại tiện và cảm thấy như bạn không thể thải hết

Có những ngày triệu chứng của bạn ít xuất hiện, đỡ hơn nhưng cũng có những ngày chúng tồi tệ hơn, bùng phát mạnh mẽ. Chúng có thể được kích hoạt bởi thức ăn hoặc đồ uống hằng ngày.

Bên cạnh đó IBS cũng có thể gây ra thêm những triệu chứng như:

  • Xì hơi (đánh rắm)
  • Chảy nước tại trực tràng
  • Mệt mỏi và thiếu năng lượng
  • Buồn nôn
  • Đau lưng
  • Các vấn đề về tiểu tiện (như cần đi thường xuyên, đột ngột muốn đi hoặc cảm giác như còn sót lại trong bàng quang)
  • Luôn không thể kiểm soát được việc đại tiện (đại tiện không tự chủ)

Phụ nữ bị IBS có thể thấy rằng các triệu chứng hay bùng phát trong kì kinh nguyệt. Những triệu chứng này thường lặp đi lặp lại, có thế khiến bạn cảm thấy căng thẳng hoặc khó chịu. Khi bạn có thể quản lý và kiểm soát được các cơn bùng phát, bạn sẽ thấy tốt hơn về cả thể chất lẫn tinh thần.

Và cần phải đi gặp Bác sĩ – Người có Chuyên môn gấp khi mà bạn có những biểu hiện sau:

  • Giảm thèm ăn, giảm rất nhiều cân mà không có lý do
  • Cơn đau dai dẳng không thuyên giảm sau khi hết đầy hơi hoặc đi đại tiện
  • Chảy máu tại trực tràng và đi đại tiện ra máu
  • Một cục cứng hoặc sưng bất thường trong bụng của bạn
  • Khó thở, nhịp tim nhanh hơn (đánh trống ngực) và da xanh xao
  • Đây có thể là những dấu hiệu của những bệnh nghiêm trọng hơn như ung thư ruột kết...

Chuẩn đoán hội chứng ruột kích thích

Nếu bạn đang có các triệu chứng rối loạn chức năng tiêu hoá vô cùng khó chịu, hãy tìm Người có Chuyên môn gần nhất để được tư vấn. Bước đầu tiên để chẩn đoán IBS là tiền sử bệnh và sau đó là khám sức khỏe. Họ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn. Tùy thuộc vào các triệu chứng, bạn có thể cần làm các xét nghiệm khác như: Xét nghiệm máu, lấy mẫu phân và chụp X-quang… để có thể giúp loại trừ các bệnh khác có biểu hiện giống với IBS.

Sau đó, Người có Chuyên môn có thể đề nghị “Nội soi đại tràng” hoặc “Nội soi đại tràng Sigma bằng ống dẻo” để kiểm tra đại tràng của bạn chi tiết hơn. Hai thủ tục xét nghiệm này tương tự nhau, tuy nhiên “Nội soi đại tràng” chỉ kiểm tra nửa dưới của đại tràng còn “Nội soi đại tràng Sigma bằng ống dẻo” sẽ kiểm tra toàn bộ đại tràng.

Thông thường, Người có Chuyên môn có thể chẩn đoán chính xác và thậm chí Bác sĩ chuyên khoa có thể điều trị bằng phương pháp nội soi. Nội soi đại tràng là một thủ tục ít xâm lấn hơn nhiều so với phẫu thuật ổ bụng.

Điều trị Hội chứng Ruột kích thích

Không có liệu pháp cụ thể nào phù hợp với tất cả mọi người, nhưng hầu hết những người mắc Hội chứng Ruột kích thích có thể tìm thấy một phương pháp điều trị phù hợp với họ. Người có Chuyên môn sẽ cá nhân hóa kế hoạch điều trị IBS theo nhu cầu của bạn. Các lựa chọn điều trị điển hình bao gồm thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và có thể sử dụng thuốc điều trị triệu chứng. Tạo ra một chế độ ăn uống phù hợp với cuộc sống và cơ thể của bạn giúp các triệu chứng được cải thiện.

Thay đổi lối sống

  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Không hút thuốc.
  • Thử các kỹ thuật thư giãn hoặc yoga, giảm căng thẳng.
  • Ăn các bữa nhỏ thường xuyên hơn.
  • Ghi lại các loại thực phẩm bạn ăn để bạn có thể tìm ra loại thực phẩm nào gây bùng phát IBS. Các tác nhân phổ biến là ớt đỏ, hành lá, rượu vang đỏ, lúa mì và sữa bò.

Thay đổi chế độ ăn uống

  • Tăng chất xơ trong chế độ ăn uống của bạn: uống đủ nước, ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và các loại hạt…
  • Tránh Caffein (từ cà phê, socola, các loại trà và nước ngọt).
  • Tránh thức ăn chiên giòn hoặc nhiều gia vị lạ.
  • Hạn chế pho mát và sữa. Không dung nạp Lactose phổ biến hơn ở những người bị IBS. Đảm bảo lấy canxi từ các nguồn khác, chẳng hạn như bông cải xanh, rau bina, cá hồi hoặc thực phẩm bổ sung.
  • Dùng Probiotics – những “vi khuẩn tốt” này có thể giúp cải thiện các triệu chứng.
  • Hãy thử chế độ ăn uống FODMAP thấp (Fermentable, Oligo Sacarit lên men, Disaccarit, Monosaccarit và Polyol), một kế hoạch ăn uống phù hợp có thể giúp cải thiện các triệu chứng.

Thay đổi y tế

Nếu các triệu chứng không cải thiện thông qua các biện pháp điều trị tại nhà thì Người có Chuyên môn đang theo dõi bạn sẽ thay đổi cách điều trị bằng đề nghị sử dụng thuốc. Những người khác nhau có thể phản ứng khác nhau với cùng một loại thuốc nên luôn cần sự tư vấn mỗi lần sử dụng.

Cũng như những bệnh khác, khi cần xem xét một lựa chọn điều trị mới, điều quan trọng là bạn phải cho Người có Chuyên môn biết bạn đang dùng loại gì, bao gồm cả các biện pháp thảo dược, thuốc không kê đơn, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, chế độ ăn uống và sinh hoạt. Điều này sẽ giúp họ tránh được bất kì loại thuốc gây tương tác xấu với những gì bạn đang sử dụng.

Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị tất cả các triệu chứng của IBS, còn một số loại khác lại tập trung vào các triệu chứng cụ thể. Thuốc thường được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc kiểm soát co thắt cơ
  • Thuốc chống táo bón
  • Thuốc chống trầm cảm tuần hoàn để giảm đau (Thuốc chống trầm cảm 3 vòng - Tricyclic Antidepressant – TCA)
  • Thuốc kháng sinh.

Nếu triệu chứng IBS của bạn là táo bón, có hai loại thuốc được Trường Đại học Tiêu hoá Hoa Kỳ (ACG) khuyên dùng:

  • Linaclotide
  • Lubiprostone

Nói chuyện với Người có Chuyên môn phụ trách điều trị cho bạn nếu các triệu chứng của bạn không cải thiện sau khi dùng thuốc. Bạn có thể cần nhiều xét nghiệm hơn để xem liệu tình trạng tiềm ẩn khác có gây ra các triệu chứng hay không.

Điều gì xảy ra nếu thuốc không có tác dụng?

Trong một số trường hợp, các triệu chứng không đáp ứng với điều trị y tế. Người có Chuyên môn của bạn có thể giới thiệu bạn đến các liệu pháp sức khỏe tâm thần. Một số bệnh nhân thấy nhẹ nhõm thông qua:

  • Liệu pháp Nhận thức – Hành vi (Cognitive Behavioral Therapy – CBT)
  • Liệu pháp Thôi miên (Hypnosis)
  • Phản hồi sinh học (Biofeedback)

Phòng ngừa hội chứng ruột kích thích

Vì không xác định được nguyên nhân gây ra Hội chứng Ruột kích thích nên bạn không thể ngăn ngừa hoặc tránh được nó. Nếu bạn bị IBS, bạn có thể giữ cho các triệu chứng không bùng phát bằng cách tránh các tác nhân gây bệnh.

Vậy có thể kiểm soát được Hội chứng Ruột kích thích hay không? Rất khó để giải quyết vấn đề này nhưng tin tốt là gần như tất cả mọi người mắc bệnh đều có thể tìm được phương pháp điều trị có ích cho họ.

Thông thường thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt sẽ cải thiện các triệu chứng theo thời gian. Bạn có thể cần một chút kiên nhẫn khi tìm ra các yếu tố kích hoạt để thực hiện việc tránh Hội chứng Ruột kích thích. Có người sau vài tuần nhưng cũng có người cần vài tháng để nhận thấy sự cải thiện đáng kể trong cảm giác của mình. Một chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp lên kế hoạch dễ dàng hơn, đáp ứng nhu cầu của bạn.

Nếu bạn có câu hỏi hay bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến sản phẩm cần sử dụng cũng như các tình trạng sức khoẻ mình đang gặp phải, hãy nhắn tin ngay cho các Dược sĩ của Healthy Beauty nhé: m.me/healthybeautyduocpham

Dược sĩ Kim My

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.benhvien108.vn/benh-nhan-mac-hoi-chung-ruot-kich-thich-can-chu-y-nhung-gi.htm
  2. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4342-irritable-bowel-syndrome-ibs
  3. https://www.nhs.uk/conditions/irritable-bowel-syndrome-ibs/
  4. https://www.healthline.com/health/irritable-bowel-syndrome
  5. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7850201/