Thường Thức Y Khoa
Những Điều Cần Biết Về Vitamin A
Mục lục [Ẩn]
Vitamin A là một loại vitamin thiết yếu mà cơ thể cần để tăng trưởng và phát triển. Cùng Healthy Beauty tìm hiểu thêm về vai trò chủ yếu của vitamin A là gì, nguồn gốc cũng như tác dụng phụ nếu như dùng Vitamin A sai cách trong bài viết này nhé!
Vitamin A là gì? Vai trò chủ yếu của vitamin A là gì?
Vitamin A là tên của một nhóm retinoid hòa tan trong chất béo.
Vitamin A rất quan trọng đối với thị lực, chúng được xem như một thành phần thiết yếu của rhodopsin (protein nhạy cảm với ánh sáng trong võng mạc phản ứng với ánh sáng đi vào mắt) và nó còn hỗ trợ điều tiết các hoạt động bình thường của màng kết mạc và giác mạc. (1)
Vitamin A giúp tế bào sinh sản bình thường, một quá trình được gọi là biệt hóa tế bào.
Nó cần thiết cho sự phát triển thích hợp của phôi thai và thai nhi.
Vitamin A giúp giữ cho da, màng nhầy ở mũi, xoang và miệng khỏe mạnh. Nó cũng đóng một vai trò trong hệ thống miễn dịch, sự phát triển, hình thành xương, sinh sản, làm lành vết thương.
Vitamin A đến từ hai nguồn. Một nhóm, được gọi là retinoids, có nguồn gốc từ động vật, bao gồm retinol và các dẫn xuất của tương tự thường được dùng để trị bệnh da liễu. Nhóm còn lại, được gọi là carotenoid, đến từ thực vật và bao gồm beta-carotene. Cơ thể chuyển đổi beta-carotene thành vitamin A. Các carotenoid chính, bao gồm lycopene, lutein và zeaxanthin, có các đặc tính sinh học quan trọng, bao gồm các hoạt động chống oxy hóa và quang bảo vệ. (6)
>>> Xem thêm: Vitamin A Có Trong Thực Phẩm Nào? Top 9 Loại Thực Phẩm Giàu Vitamin A
Hàm lượng vitamin A cần bổ sung?
Lượng vitamin A phụ thuộc vào giới tính và độ tuổi. Mỗi quốc gia đều có Bảng Nhu cầu Dinh dưỡng Khuyến nghị riêng phù hợp với đặc điểm sinh học cư dân từng vùng.
Tại Mỹ
Lượng khuyến nghị trung bình hàng ngày được liệt kê bên dưới theo Ban Thực phẩm và Dinh dưỡng (FNB) tại Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ và được tính theo Đương lượng Sinh học Retinol (RAE) (1):
* Lượng hấp thụ đầy đủ, tương đương với lượng vitamin A trung bình ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh, bú sữa mẹ.
Các đơn vị đo vitamin A hiện nay là mcg RAE, thay vì các Đơn vị Quốc tế (IU) đã được sử dụng trước đây. Để chuyển đổi IU sang mcg RAE, áp dụng công thức tính như sau:
1 IU retinol = 0,3 mcg RAE
1 IU beta-carotene bổ sung = 0,3 mcg RAE
1 IU beta-carotene trong chế độ ăn uống = 0,05 mcg RAE
1 IU alpha-carotene hoặc beta-cryptoxanthin trong chế độ ăn uống = 0,025 mcg RAE
Tại Việt Nam
Lượng khuyến nghị đối với người dân Việt Nam được phê duyệt theo BẢNG NHU CẦU DINH DƯỠNG KHUYẾN NGHỊ CHO NGƯỜI VIỆT NAM (Ban hành kèm theo Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế) như sau (2):
ª Vitamin A có thể sử dụng các hệ số chuyển đổi sau:
01 mcg vitamin A hoặc retinol = 01 đương lượng retinol (RE)
01 đơn vị quốc tế (IU) tương đương với 0,3 mcg vitamin A
01 mcg β-caroten = 0,167 mcg vitamin A
01 mcg các caroten khác = 0,084 mcg vitamin A
Tình trạng thiếu hụt vitamin A
Theo kết quả công bố của Bộ Y Tế về cuộc Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc (2018 - 2020) tại Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội tháng 04/2021 như sau:
Về thiếu Vitamin A: Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nhóm trẻ 6-59 tháng tuổi trên cả nước giảm xuống ở mức YNCĐ nhẹ (9,5%), tỷ lệ này vẫn cao nhất ở khu vực Miền núi phía Bắc (13,8%) và Tây nguyên (11,0%). Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng trẻ em 5-9 tuổi (4,9%) ở mức nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới.
Can thiệp uống viên nang vitamin A liều cao đã được triển khai nhiều thập kỷ qua nhưng tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 6-59 tháng tuổi vẫn còn ở mức nhẹ và giảm chậm trong những năm gần đây.
Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em có thể nặng thêm nếu dừng hoàn toàn chương trình uống vitamin A liều cao trên toàn quốc. (3)
Hậu quả và dấu hiệu thiếu hụt Vitamin A
Thiếu vitamin A là một vấn đề sức khỏe phổ biến liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đáng kể, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ ở các khu vực kinh tế nghèo trên khắp thế giới. Sự hấp thu không đủ dẫn đến thiếu hụt và ảnh hưởng đến các quá trình sinh lý thiết yếu.
Dấu hiệu lâm sàng phổ biến nhất là bệnh máu chảy mủ, xuất hiện sau khi retinol trong huyết tương xuống thấp và nguồn dự trữ vitamin A của mắt bị cạn kiệt.
Dấu hiệu đầu tiên là quáng gà, hoặc không thể nhìn trong ánh sáng yếu hoặc bóng tối do giảm nồng độ rhodopsin trong võng mạc. Dấu hiệu tiếp thep là khô mắt (Xerophthalmia) gây ảnh hưởng giác mạc và cuối cùng có thể dẫn đến mù vĩnh viễn; thiếu vitamin A là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa nhưng có thể phòng ngừa được ở trẻ em.
Thiếu vitamin A mãn tính cũng có liên quan đến sự phát triển bất thường của phổi, các bệnh về đường hô hấp (như viêm phổi), tăng nguy cơ thiếu máu và tử vong.
Một tác động khác của thiếu vitamin A mãn tính là làm tăng mức độ nghiêm trọng và nguy cơ tử vong của các bệnh nhiễm trùng (đặc biệt là bệnh sởi và tiêu chảy do nhiễm trùng).
Năm 2013, 94.500 trẻ em ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình chết vì tiêu chảy và 11.200 trẻ em chết vì bệnh sởi do thiếu vitamin A. Hơn 95% ca tử vong do thiếu vitamin A xảy ra ở châu Phi cận Sahara và châu Á, nơi thiếu vitamin A là nguyên nhân gây ra 2% tổng số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. (1)
Hậu quả và dấu hiệu thừa Vitamin A
Thừa Vitamin A hay ngộ độc Vitamin A xảy ra khi có quá nhiều vitamin A trong cơ thể.
Độc tính cấp tính xảy ra sau khi tiêu thụ lượng lớn vitamin A trong thời gian ngắn, thường là trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Nhiễm độc mãn tính xảy ra khi một lượng lớn vitamin A tích tụ trong thời gian dài.
Các triệu chứng bao gồm giảm thị lực, đau xương và thay đổi da. Nhiễm độc mãn tính có thể dẫn đến tổn thương gan và tăng áp lực lên não.
Thừa Vitamin A có thể được chẩn đoán bằng cách sử dụng xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ vitamin A. Hầu hết mọi người đều cải thiện chỉ đơn giản bằng cách giảm lượng vitamin A.
Nguyên nhân của chứng tăng vitamin A là do lượng vitamin A dư thừa được lưu trữ trong gan và tích tụ theo thời gian. Hầu hết ngộ độc vitamin A là do dùng thực phẩm chức năng liều cao.
Thừa Vitamin A cũng được gây ra bởi việc sử dụng lâu dài một số phương pháp điều trị mụn trứng cá có chứa liều lượng cao vitamin A, chẳng hạn như isotretinoin.
Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào việc nhiễm độc là cấp tính hay mãn tính. Đau đầu và phát ban thường gặp ở cả hai dạng bệnh.
Các triệu chứng của ngộ độc vitamin A cấp tính bao gồm buồn ngủ, cáu gắt, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa.
Các triệu chứng của ngộ độc vitamin A mãn tính bao gồm: nhìn mờ hoặc những thay đổi khác về thị lực, sưng xương, đau xương, kém ăn, chóng mặt, buồn nôn và ói mửa, nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, da khô ráp, ngứa hoặc bong tróc da, móng tay nứt, vết nứt da ở khóe miệng của bạn, loét miệng, vàng da, rụng tóc, bệnh về đường hô hấp, lú lẫn. (4)
Lưu ý khi bổ sung Vitamin A cho phụ nữ có thai
Mang thai là giai đoạn cần những chất dinh dưỡng cụ thể để duy trì sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Trong giai đoạn này, nhu cầu về vitamin A tăng lên, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ do sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn này tăng nhanh. Theo WHO, thiếu Vitamin A vẫn được coi là một vấn đề sức khỏe cộng đồng ở cấp độ dân số, đặc biệt là ở một số nước đang phát triển, ảnh hưởng đến khoảng 19 triệu phụ nữ mang thai.
Ngược lại, do tác dụng gây quái thai có thể xảy ra khi dùng vitamin A liều cao, việc hấp thụ quá nhiều loại vitamin này là một vấn đề đáng lo ngại, chủ yếu ở các nước phát triển. Các tác dụng phụ chính liên quan đến việc cung cấp quá nhiều vitamin A, đặc biệt là vào 3 tháng đầu của thai kỳ, là dị tật bẩm sinh liên quan đến hệ thần kinh trung ương và tim mạch và sẩy thai tự nhiên. (5)
Dù đã có những biện pháp nhằm thúc đẩy việc sử dụng an toàn các sản phẩm chứa isotretinoin (dẫn xuất retinoids), số lượng phụ nữ mang thai phơi nhiễm với thuốc này vẫn tương đối cao, dẫn đến tăng nguy cơ dị tật ở thai nhi. Các rối loạn tâm thần liên quan đến isotretinoin vẫn tiếp tục được báo cáo.
Chống chỉ định tuyệt đối sử dụng các loại thuốc này trong thời kỳ mang thai do nguy cơ dị tật nghiêm trọng rất cao (trên 30%) ở thai nhi bị phơi nhiễm, như các bất thường về não, tim hoặc mặt. Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp được đưa ra, số lượng phụ nữ có thai phơi nhiễm với isotretinoin không giảm từ năm 2010 (khoảng 175 trường hợp mỗi năm).
Ngoài ra, các trường hợp lo lắng hoặc thay đổi tâm trạng, khởi phát trầm cảm hoặc trầm cảm nặng hơn bao gồm cả các nỗ lực tự tử, đã được báo cáo ở những bệnh nhân được điều trị bằng isotretinoin.
Vì vậy, Cơ quan quản lý dược phẩm Pháp (ANSM) đưa ra khuyến cáo dành cho các nhân viên y tế (bác sĩ da liễu, bác sĩ đa khoa, dược sĩ) và bệnh nhân, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc sử dụng isotretinoin.
ANSM nhấn mạnh lại một số khuyến cáo khi sử dụng isotretinoin:
- Đối với bệnh nhân trong độ tuổi sinh sản
- Không được sử dụng thuốc isotretinoin trong thời kỳ mang thai. Nên tránh thai ít nhất 1 tháng trước khi điều trị, và tiếp tục tránh thai trong 1 tháng sau khi kết thúc điều trị (vì thuốc vẫn còn tồn tại trong máu).
- Cần tiến hành thử thai trước khi điều trị cũng như khi cấp phát thuốc hàng tháng và sau khi ngừng điều trị 1 tháng.
- Nếu bạn có thai trong khi đang sử dụng isotretinoin, ngừng sử dụng và hỏi ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt.
- Đối với tất cả bệnh nhân
- Bệnh nhân và gia đình cần nhận thức được các dấu hiệu rối loạn tâm lý/ tâm thần, đặc biệt là hội chứng trầm cảm như cảm giác buồn bã, khóc không kiểm soát, ý định tự tử, cảm giác cô lập trong gia đình và xã hội
- Khi bạn có bất kỳ thay đổi trong tâm trạng, cần đến gặp bác sĩ.
Tóm lại, bổ sung vitamin A khi mang thai đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, nên thận trọng trong việc lựa chọn liều dùng và tham khảo ý kiến bác sĩ, tránh trường hợp dùng quá liều dẫn đến tác dụng phụ cho mẹ và em bé. (7)
Dược sĩ Hồng Ngọc
Nguồn tham khảo:
- https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminA-HealthProfessional/
- https://viendinhduongtphcm.org/Media/Tai_lieu_chuyen_mon/Nhu_cau_dinh_duong_khuyen_nghi.pdf
- https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/bo-y-te-cong-bo-ket-qua-tong-ieu-tra-dinh-duong-nam-2019-2020
- https://www.healthline.com/health/hypervitaminosis-a#symptoms
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6470929/
- https://www.mountsinai.org/health-library/supplement/vitamin-a-retinol#
- http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/1823/ANSM-nhac-lai-cac-nguyen-tac-su-dung-isotretinoin-trong-dieu-tri-mun-tren-phu-nu-mang-thai.htm