Thường Thức Y Khoa
Tác Dụng Của Vitamin C Đối Với Cơ Thể
Mục lục [Ẩn]
Vitamin C thường được biết đến vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng tự nhiên trong cơ thể. Vậy còn tác dụng nào khác của Vitamin C tới cơ thể hay không? Việc thừa hay thiếu Vitamin C sẽ dẫn đến điều gì cho cơ thể? Tìm hiểu thêm thông tin về Vitamin này qua bài viết sau.
Vitamin C là gì?
Vitamin C (VitC - Ascorbic Acid - AA), là một loại vitamin tự nhiên tan trong nước. Ascorbic Acid là một chất khử và chống oxy hóa mạnh, có chức năng trong việc chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn, trong các phản ứng giải độc và hình thành collagen trong mô sợi, răng, xương, mô liên kết, da và mao mạch. VitC cũng giúp cơ thể hấp thụ sắt, chất cần thiết cho quá trình sản xuất hồng cầu.
Chúng ta không thể không thể sản xuất hoặc lưu trữ Vitamin C này mà phải bổ sung thông qua chế độ ăn uống hằng ngày, nó có trong trong các loại thực phẩm.
Vitamin C có tác dụng gì?
Tăng cường khả năng miễn dịch
Một trong những lý do chính mà mọi người bổ sung Vitamin C là để tăng cường hệ miễn dịch vì VitC tham gia vào nhiều bộ phận của hệ thống miễn dịch:
- VitC giúp khuyến khích sản xuất các tế bào bạch cầu được gọi là tế bào Lympho và tế bào thực bào, giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng.
- VitC giúp các tế bào bạch cầu hoạt động hiệu quả hơn trong khi bảo vệ chúng khỏi bị hư hại bởi các phân tử có hại, chẳng hạn như các gốc tự do.
Hơn nữa, mức Vitamin C thấp có liên quan đến kết quả sức khỏe kém. Ví dụ, những người bị viêm phổi thường có mức VitC thấp hơn và bổ sung Vitamin C đã được chứng minh giúp rút ngắn thời gian hồi phục.
Chăm sóc da toàn diện
Vitamin C giúp chống Oxy hóa và tăng cường hệ thống phòng thủ cho da vừa an toàn cho hầu hết các loại da vừa chăm sóc da một cách toàn diện ở dạng uống và cả dạng bôi.
Một dẫn xuất của Vitamin C (Magnesium Ascorbyl Phosphate) đã được chứng minh là có tác dụng dưỡng ẩm cho da, giảm sự mất nước qua biểu bì. Bên cạnh đó, VitC còn được chứng minh là cản trở quá trình sản xuất Melanin, giúp làm mờ các đốn đen và tình trạng xỉn màu da, giúp làn da sáng hồng.
Sự chống viêm của AA còn giúp làm dịu da, giảm bọng mắt, giảm mẫn đỏ và kích ứng, giúp da đều màu hơn. Không chỉ vậy, Ascorbic Acid còn giúp giảm bớt quầng thâm mắt khi ở dạng Natri Ascorbate 10% sau 6 tháng sử dụng.
Bổ sung VitC đầy đủ cho da không chỉ bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời mà còn làm dịu các vết cháy nắng khi kết hợp với Vitamin E. Đó cũng chính là nguyên do mà Vitamin C có thể tăng tốc độ chữa lành vết thương tổng thể, giảm nguy cơ nhiễm trùng gây sẹo (nhờ biểu hiện gen của AA trong nguyên bào sợi da người).
Giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính
Vitamin C là một chất chống Oxy hóa mạnh có thể tăng cường khả năng phòng thủ tự nhiên của cơ thể, bảo vệ các tế bào khỏi các phân tử có hại được gọi là các gốc tự do.
Khi các gốc tự do tích tụ, chúng có thể thúc đẩy một trạng thái được gọi là Stress Oxy hóa , có liên quan đến nhiều bệnh mãn tính. Các nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ nhiều Vitamin C hơn có thể làm tăng lượng chất chống oxy hóa trong máu của bạn lên đến 30%. Điều này giúp cơ thể bảo vệ tự nhiên chống lại chứng viêm.
Kiểm soát huyết áp cao
Hiện nay, tỉ lệ người trưởng thành bị huyết áp cao ngày càng gia tăng. Huyết áp cao khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tim, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu.
Một nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng việc bổ sung VitC giúp thư giãn các mạch máu mang máu từ tim, giúp giảm mức huyết áp. Hơn nữa, một phân tích của 29 nghiên cứu trên người cho thấy rằng việc bổ sung Acid Ascorbic làm giảm huyết áp tâm thu xuống 3,8 mmHg và huyết áp tâm trương trung bình 1,5 mmHg ở người lớn khỏe mạnh. Ở người lớn bị huyết áp cao, bổ sung VitC làm giảm trung bình 4,9 mmHg huyết áp tâm thu và 1,7 mmHg huyết áp tâm trương.
Tuy nhiên những người bị huyết áp cao không nên chỉ dựa vào mỗi Vitamin C để điều trị.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bao gồm huyết áp cao, chất béo trung tính (LDL - cholesterol xấu) cao và mức cholesterol HDL (tốt) thấp. Và vitamin C có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Ví dụ, một phân tích của 9 nghiên cứu với tổng số 293.172 người tham gia cho thấy sau 10 năm, những người bổ sung ít nhất 700 mg Vitamin C mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 25% so với những người không bổ sung Vit C.
Một phân tích khác của 13 nghiên cứu đã xem xét tác động của việc uống ít nhất 500 mg VitC mỗi ngày đối với các yếu tố nguy cơ của bệnh tim. Phân tích cho thấy rằng việc bổ sung Vitamin C làm giảm đáng kể Cholesterol LDL (xấu) khoảng 7,9 mg / dL và chất béo trung tính trong máu khoảng 20,1 mg / dL.
Giảm nồng độ axit uric trong máu - ngăn ngừa các cơn gút
Bệnh gút là một loại viêm khớp ngày càng nhiều người mắc bởi việc ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh. Những người mắc bệnh gút sẽ gặp tình trạng sưng, các cơn đau đột ngột, dữ dội, đặc biệt là ở các ngón chân cái.
Các triệu chứng bệnh gút xuất hiện khi có quá nhiều axit uric trong máu. Axit uric là một chất thải được cơ thể tạo ra. Ở mức độ cao, nó có thể kết tinh và lắng đọng trong các khớp.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng Vitamin C có thể giúp giảm axit uric trong máu, bảo vệ chống lại các cuộc tấn công của bệnh gút. Ví dụ, một nghiên cứu bao gồm 1.387 nam giới cho thấy những người tiêu thụ nhiều VitC nhất có nồng độ axit uric trong máu thấp hơn đáng kể so với những người tiêu thụ ít nhất.
Một nghiên cứu khác đã theo dõi 46.994 người đàn ông khỏe mạnh trong hơn 20 năm để xác định xem liệu lượng Vitamin C có liên quan đến việc phát triển bệnh gút hay không. Kết quả cho thấy những người bổ sung Vitamin C có nguy cơ mắc bệnh gút thấp hơn 44%.
Ngăn ngừa thiếu sắt
Bổ sung Vitamin C có thể giúp tăng hấp thu sắt từ chế độ ăn uống. VitC hỗ trợ chuyển hóa chất sắt được hấp thụ kém, chẳng hạn như sắt có nguồn gốc thực vật, thành dạng dễ hấp thu hơn.
Vitamin C có thể giúp giảm nguy cơ thiếu máu ở những người dễ bị thiếu sắt. Nếu bạn có lượng sắt thấp, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu Vitamin C hơn hoặc bổ sung Vitamin C có thể giúp cải thiện nồng độ sắt trong máu của bạn, chỉ cần tiêu thụ 100 mg VitC có thể cải thiện sự hấp thụ sắt lên 67%.
Bảo vệ trí nhớ và tư duy khi về già
Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ rộng được sử dụng để mô tả các triệu chứng suy nghĩ và trí nhớ kém. Nó ảnh hưởng đến hơn 35 triệu người trên toàn thế giới. Các nghiên cứu cho thấy Stress oxy hóa và chứng viêm não, cột sống và dây thần kinh (gọi chung là hệ thần kinh trung ương) có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, lượng VitC trong cơ thể của họ cũng thấp hơn.
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh. Mức độ thấp của vitamin này có liên quan đến việc suy giảm khả năng suy nghĩ và ghi nhớ. Lượng VitC cao từ thực phẩm hoặc chất bổ sung đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ 2 khả năng này cả khi bạn già đi.
Dấu hiệu và triệu chứng của thiếu Vitamin C
Mặc dù tình trạng thiếu hụt Vitamin C tương đối ít ở các nước phát triển, do sự sẵn có của VitC trong các thực phẩm, bổ sung khá dễ dàng. Các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của thiếu VitC là chế độ ăn uống kém, nghiện rượu, biếng ăn, bệnh tâm thần nặng, hút thuốc.
Dưới đây là những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của việc thiếu Vitamin C:
Da sần sùi – Da khô – Dễ bầm tím – Vết thương lâu lành
Làn da khỏe mạnh chứa một lượng lớn Vitamin C, giữ cho làn da khỏe mạnh bằng cách bảo vệ da khỏi tác hại oxy hóa do ánh nắng mặt trời và tiếp xúc với các chất ô nhiễm như khói bụi, khói thuốc lá.
Vitamin C đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất Collagen, một loại protein có nhiều trong các mô liên kết như da, tóc, khớp, xương và mạch máu. Thiếu VitC, bề mặt da sần sùi hình thành ở mặt sau của cánh tay trên, đùi hoặc mông do sự tích tụ của Protein Keratin bên trong lỗ chân lông. Dày sừng do thiếu Vitamin C thường xuất hiện sau ba đến năm tháng ăn uống không đủ chất và sẽ tự khỏi khi bổ sung đủ. Tuy nhiên da khô sần sùi cũng có thể do nhiều yếu tố khác ngoài thiếu Vitamin C
Vết bầm tím xảy ra khi các mạch máu dưới da bị vỡ khiến máu chảy ra các vùng xung quanh. Và dễ bị bầm tím là một dấu hiệu phổ biến của sự thiếu hụt VitC vì sản xuất Collagen kém khiến mạch máu yếu. Vì thiếu hụt Vitamin C làm chậm tốc độ hình thành collagen, khiến vết thương chậm lành hơn.
Lông trên cơ thể hình xoắn ốc
Thiếu Vitamin C cũng có thể khiến tóc mọc ở dạng uốn cong hoặc cuộn lại do những khiếm khuyết phát triển trong cấu trúc Protein của tóc khi tóc phát triển.
Nang lông màu đỏ tươi
Các nang lông trên bề mặt da chứa nhiều mạch máu nhỏ cung cấp máu và chất dinh dưỡng cho khu vực này. Khi cơ thể thiếu Vitamin C, các mạch máu nhỏ này trở nên mỏng manh và dễ vỡ, gây ra các đốm nhỏ, màu đỏ tươi xuất hiện xung quanh nang lông. Đây được gọi là xuất huyết quanh nang và là một dấu hiệu được ghi nhận rõ ràng về tình trạng thiếu Vitamin C trầm trọng.
Uống bổ sung VitC sẽ giải quyết triệu chứng này trong vòng hai tuần.
Móng tay hình thìa có đốm hoặc đường màu đỏ
Móng tay hình thìa có đặc điểm là hình dạng lõm và thường mỏng, dễ gãy. Chúng thường liên quan đến thiếu máu do thiếu sắt nhưng cũng có liên quan đến thiếu VitC. Các đốm đỏ hoặc đường dọc trên móng tay, được gọi là xuất huyết dạng mảnh, cũng có thể xuất hiện khi thiếu Vitamin C do các mạch máu suy yếu dễ bị vỡ.
Đau, sưng khớp
Vì các khớp chứa nhiều mô liên kết giàu Collagen nên chúng cũng có thể bị ảnh hưởng do thiếu Vitamin C . Đã có nhiều báo cáo về trường hợp đau khớp liên quan đến thiếu VitC, thường nghiêm trọng đến mức đi khập khiễng hoặc đi lại khó khăn. Chảy máu trong khớp cũng có thể xảy ra ở những người thiếu Ascorbic Acid, gây sưng và đau thêm.
Yếu xương
Thiếu Vitamin C cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của xương. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng VitC đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành xương – nguyên bào xương. Bộ xương của trẻ em có thể bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt VitC, vì lúc này là thời gian tăng trưởng và phát triển để hoàn thiện cơ thể.
Chảy máu nướu răng và rụng răng
Nướu đỏ, sưng, chảy máu là một dấu hiệu phổ biến khác của tình trạng thiếu Vitamin C . Nếu không có đủ AA, mô nướu trở nên suy yếu và bị viêm và các mạch máu dễ chảy máu hơn. Trong giai đoạn nặng của sự thiếu hụt Vitamin C , nướu răng thậm chí có thể xuất hiện màu tím và thối. Cuối cùng, răng có thể bị rụng do nướu không khỏe mạnh và ngà răng yếu, lớp bên trong bị vôi hóa của răng.
Khả năng miễn dịch kém
Các nghiên cứu cho thấy rằng Vitamin C tích tụ bên trong các loại tế bào miễn dịch khác nhau để giúp chúng chống lại nhiễm trùng và tiêu diệt các mầm bệnh gây bệnh. Thiếu Vitamin C có liên quan đến khả năng miễn dịch kém và nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, bao gồm các bệnh nghiêm trọng như viêm phổi.
Thiếu máu liên tục do thiếu sắt
Hàm lượng Vitamin C thấp có thể góp phần gây thiếu máu do thiếu sắt do làm giảm sự hấp thụ sắt từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình chuyển hóa sắt. Thiếu VitC cũng làm tăng nguy cơ chảy máu quá nhiều, có thể góp phần gây thiếu máu.
Mệt mỏi và tâm trạng kém
Hai trong số những dấu hiệu sớm nhất của sự thiếu hụt Vitamin C là mệt mỏi và tâm trạng kém. Mặc dù mệt mỏi và khó chịu có thể là một số triệu chứng đầu tiên xuất hiện, nhưng chúng thường biến mất chỉ sau vài ngày khi bổ sung đủ lượng hoặc trong vòng 24 giờ sau khi bổ sung liều cao.
Tăng cân không giải thích được
VitC có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh béo phì bằng cách điều chỉnh quá trình giải phóng chất béo từ các tế bào mỡ, giảm kích thích tố căng thẳng và giảm viêm.
Viêm mãn tính và Stress oxy hóa
VitC giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào bằng cách trung hòa các gốc tự do có thể gây ra Stress Oxy hóa và viêm trong cơ thể. Stress Oxy hóa và chứng viêm có liên quan đến nhiều bệnh mãn tính, bao gồm cả bệnh tim và tiểu đường.
Thừa Vitamin C – Dư Vitamin C có sao không?
Tác dụng phụ phổ biến nhất của việc hấp thụ nhiều Vitamin C là gây khó tiêu hóa. Những tác dụng phụ này không xảy ra khi ăn thực phẩm có chứa VitC, mà là do uống ở dạng bổ sung không chất lượng.
Bạn có nhiều khả năng gặp các triệu chứng bất thường tiêu hóa nếu tiêu thụ hơn 2.000 mg cùng một lúc. Do đó, giới hạn trên có thể chấp nhận được (TUL) là 2.000 mg mỗi ngày đã được thiết lập.
Các triệu chứng tiêu hóa phổ biến nhất khi hấp thụ thừa VitC là tiêu chảy và buồn nôn.
Nếu bạn đang gặp các vấn đề về tiêu hóa do dùng dư VitC, chỉ cần giảm liều bổ sung hoặc tránh hoàn toàn các thực phẩm có bổ sung nhiều AA.
Dư thừa Vitamin C được bài tiết ra khỏi cơ thể dưới dạng Oxalate, một chất thải của cơ thể. Oxalate thường thoát ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, oxalat có thể liên kết với các khoáng chất và tạo thành các tinh thể có thể dẫn đến hình thành sỏi thận.
Trong một nghiên cứu người lớn uống bổ sung 2.000 mg Vitamin C mỗi ngày trong 6 ngày, lượng Oxalate họ bài tiết tăng 20%. Dư thừa VitC với lượng tiêu thụ lớn hơn 2.000 mg mỗi ngày sẽ hình thành nên sự phát triển của sỏi thận.
Để dễ hình dung, chỉ cần tiêu thụ 29 quả cam hoặc 13 quả ớt chuông thì bạn mới bị dư Vitamin C (thừa Vitamin C ). Nếu bạn chọn thực phẩm chức năng bổ sung Vitamin C , tốt nhất bạn nên chọn loại chứa không quá 100% nhu cầu hàng ngày của bạn, chỉ cần 90 mg mỗi ngày cho nam giới và 75 mg mỗi ngày cho phụ nữ.
Vitamin C là một Vitamin thiết yếu đối với cơ thể con người nhưng cũng rất dễ dàng bổ sung từ nhiều loại trái cây và rau quả, bao gồm cam, dâu tây, quả kiwi, ớt chuông, bông cải xanh, cải xoăn và rau bina.
>>> Xem thêm: Vitamin C Có Trong Thực Phẩm Nào?
Thực phẩm là nguồn tốt nhất, nhưng thực phẩm bổ sung có thể giúp bạn đạt được mục tiêu đầy đủ và nhanh hơn nếu cần. Nói chuyện với Người có chuyên môn hoặc Chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn trước khi dùng vì liều lượng phù hợp phụ thuộc vào một số yếu tố khác như độ tuổi, chế độ sinh hoạt hằng ngày, tình trạng sức khỏe và thuốc điều trị bạn đang dùng. Chẳng hạn như những người hút thuốc nên dùng thêm 35 mg mỗi ngày so với liều cơ bản của người cùng tuổi, không dùng thuốc điều trị.
Đảm bảo việc bảo quản thực phẩm bảo vệ sức khỏe bổ sung Vitamin C ở nơi tối và mát mẻ, vì chất dinh dưỡng này rất nhạy cảm với nhiệt và ánh sáng.
Dược sĩ Kim My
Tài liệu tham khảo
1. Cở sở dữ liệu về các Phân tử Hóa học thuộc Thư viện Y khoa Quốc Gia Hoa Kỳ
https://pubchem.ncbi.nlm.nih.gov/compound/Ascorbic-acid
2. Chuyên trang Dược phẩm trực tuyến dành cho Chuyên viên y tế toàn cầu
https://www.drugs.com/mtm/vitamin-c.html
3. Trang về sức khỏe y tế uy tín hàng đầu của Mỹ đạt chứng chỉ HON
https://www.healthline.com/nutrition/vitamin-c-benefits
https://www.healthline.com/nutrition/vitamin-c-deficiency-symptoms
https://www.healthline.com/nutrition/side-effects-of-too-much-vitamin-c
4. Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia – Trực thuộc Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3783921/
5. Liều dùng Vitamin C cho người hút thuốc
https://www.verywellhealth.com/the-benefits-of-vitamin-c-supplements-89083
6. https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/vitamin-c-serum-benefits